Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk - Nơi mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Tây Nguyên

08:59, 16/12/2016

Sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 24-8-1945, công cuộc xây dựng chế độ mới của quân và dân Đắk Lắk đang có những chuyển biến bước đầu quan trọng thì thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, đánh chiếm các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, đồng thời chiếm đóng Campuchia và các tỉnh Nam Lào.

Tây Nguyên trở thành mục tiêu tiến công trực tiếp của quân xâm lược, trong đó Đắk Lắk là một cửa ngõ quan trọng, một bàn đạp tiến công mà từ đó địch có thể đánh chiếm Tây Nguyên và đồng bằng Trung Bộ.

Lúc này, Đắk Lắk đã ở vào vị trí bị bao vây từ 3 phía. Qua phân tích tình hình, Ban lãnh đạo tỉnh xác định quân địch có thể đánh vào Đắk Lắk theo 3 hướng: theo đường 14 từ Nam Bộ; từ Campuchia sang; theo đường 21 (nay là Quốc lộ 26) từ Nha Trang lên. Vì vậy, ta đã gấp rút triển khai xây dựng phòng tuyến và bố trí lực lượng ngăn chặn địch ở Ba ranh giới (nơi giáp giới giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Campuchia, vùng Bu Prăng, Đắk Song, Tuy Đức hiện nay) và ở M’Đrắk - Phượng Hoàng.

Sau các đòn thăm dò, phá vỡ được phòng tuyến của ta ở khu vực Ba ranh giới, ngày 6-12-1945, quân Pháp theo đường 14 tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù đã có phòng bị và chủ động chặn đánh địch, song trước tương quan lực lượng bất lợi, quân ta chủ động vừa đánh, vừa rút lui ra khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng. Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột rơi vào tay địch, Bộ Chỉ huy Khu 6 đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương và điều một chi đội lên để cùng với các lực lượng tại chỗ chiến đấu giữ vững mặt trận Đắk Lắk, không cho chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng và liên lạc với quân Pháp đang bị bao vây ở Nha Trang.

Cuối tháng 1-1946, địch được tăng cường thêm viện binh nên đã đánh chiếm được hầu hết các vùng phía nam và phía tây thị xã, tiếp đó chúng cho quân lấn dần theo đường 14 về phía bắc để tiến ra Pleiku, đồng thời tập trung binh lực đánh mạnh theo đường 21 ra phía đông nhằm tiêu diệt lực lượng của ta ở vùng CADA, nơi đóng các cơ quan đầu não của tỉnh.

Cuộc chiến đấu của bộ đội, tự vệ ta diễn ra hết sức quyết liệt tại các trận địa phòng ngự dọc đường 21. Trong hơn một tháng, địch cố tình chọc thủng phòng tuyến của ta tại đây nhưng đều thất bại. Ngày 25-1-1946, quân Pháp tập trung toàn bộ lực lượng, có cơ giới yểm trợ, phá vỡ tuyến phòng ngự cuối cùng của ta trên đường 21, phòng tuyến M’Đrắk - Phượng Hoàng.

Ở hướng mặt trận Buôn Hồ, lực lượng của ta lập phòng tuyến ở chân đèo Cư Kty (trên đường 14, cách Buôn Ma Thuột 50 km) liên tiếp chặn đánh địch, bảo vệ vùng phía bắc của Đắk Lắk và cản bước tiến của chúng ra phía Pleiku. Đến ngày 23-6-1946, do mặt trận Gia Lai - Đông Bắc Campuchia bị vỡ, quân Pháp từ Pleiku đánh xuống, từ Buôn Ma Thuột đánh ra, quân ta mới rút khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Đắk Lắk kể từ ngày bắt đầu nổ súng ở mặt trận Ba ranh giới cho đến khi vỡ mặt trận Buôn Hồ kéo dài gần 7 tháng (30-11-1945 đến 23-6-1946). Trong những ngày tháng lịch sử đó, quân và dân Đắk Lắk đã chuẩn bị và xác định quyết tâm kháng chiến ngay khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vừa nổ, phát động một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dưới nhiều hình thức. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là cuộc chiến đấu quyết liệt ghìm chân quân địch, tạo điều kiện cho các tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Khánh Hòa có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến, làm phá sản âm mưu chiến lược đầy tham vọng của thực dân Pháp đánh bại các tỉnh miền Nam Trung Bộ trong vòng mấy tháng, chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, Đắk Lắk đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là chiến trường phối hợp, căng kéo, tiêu hao lực lượng địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đánh những đòn tiêu diệt lớn, mang tính chất quyết định.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã mang lại hòa bình, độc lập cho một nửa đất nước ở miền Bắc, miền Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân đế quốc. Trong hơn 20 năm chiếm đóng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã tập trung xây dựng Đắk Lắk thành một địa bàn chiến lược trọng yếu, với nhiều thủ đoạn hòng đè bẹp ý chí cách mạng nhân dân. Nhưng quân và dân Đắk Lắk đã đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, phối hợp với quân chủ lực lập nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong lịch sử chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc (1945-1975), Đắk Lắk đã hai lần được chọn làm nơi mở đầu. Đó là mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Tây Nguyên; mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tự hào về những trang sử vẻ vang của mình, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội vùng Tây Nguyên.

Huỳnh Thị Chiến Hòa

(Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.