Multimedia Đọc Báo in

Thảo luận sôi nổi các vấn đề về thu ngân sách, huy động vốn đầu tư tại Kỳ họp thứ Tư

17:02, 12/07/2017
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, sáng 12-7 Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã  tiến hành thảo luận tập trung vào các báo cáo, đề án, tờ trình.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê chủ trì Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê chủ trì Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm và những giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2017.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia

Đại biểu Phạm Minh Tấn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại phiên thảo luận.

Ảnh: Hoàng Gia

Theo đại biểu Phạm Minh Tấn, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 là đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. HĐND, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; tập trung triển khai các dự án để đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, chú ý vấn đề giải ngân vốn xây dựng cơ bản; tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới; trong xây dựng các khu đô thị cần chú trọng đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và một số trung tâm của các huyện như Buôn Đôn, Lắk... 

Đại biểu Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy Cư M'gar cho rằng, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 dù đạt cao nhưng không bền vững, chưa thu đúng, chưa thu đủ, còn xảy ra tình trạng thất thu... Bên cạnh đó chỉ tiêu về cải tạo nâng cấp đường xã, liên xã chưa đạt chỉ tiêu đề ra, một số xã vùng xa chưa được đầu tư; số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt theo kế hoạch; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân...

Đại biểu Nguyễn Thượng Hải đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Nguyễn Thượng Hải đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia

Đề cập đến vấn đề thu ngân sách, đại biểu Y Vinh Tơr, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ thống nhất với giải pháp thu biện pháp tài chính đã đề ra trong báo cáo; riêng về thu thuế, phí thì cần tăng cường hơn nữa công tác ủy nhiệm thu thuế. Bên cạnh đó tình hình trật tự an toàn xã hội, kiềm giảm tai nạn giao thông cần phải có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa; trách nhiệm của địa phương là phát hiện, nắm bắt, báo cho lực lượng chức năng nhưng việc xử lý có lúc có nơi còn chậm.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, xóa phòng học tạm cho bậc học mầm non, tiểu học; tạo điều kiện cho ngành học mầm non có đủ giáo viên theo quy định.
 
Tham gia thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến vào các đề án, tờ trình. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với những nội dung và sự cần thiết phải thông qua các dự thảo nghị quyết, nhất là về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, cần đánh giá, tổng kết nghị quyết về phát triển cà phê trước đó để biết được những mặt đạt được, những mặt chưa đạt được và những nguyên nhân để từ đó làm căn cứ xây dựng nghị quyết mới. Về nguồn vốn đầu tư của đề án, thì huy động vốn đầu tư xã hội là phần lớn nhưng mục tiêu, cách quản lý vốn lại chưa nêu rõ, cụ thể... Xung quanh Đề án này, một số đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra thì vai trò chủ thể của nông dân là rất quan trọng; cần tạo sự liên kết hơn nữa giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nông dân; bên cạnh đó cần quản lý chặt chẽ về phân bón, thuốc trừ sâu, giống...
 
Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: quỹ đất cho công tác bảo tồn voi; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư cơ sở hạ tầng; nhà ở cho người lao động; xử lý nước thải ở các cụm, khu công nghiệp...
 
Chiều nay, Kỳ họp tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề được cử tri quan tâm.
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.