Multimedia Đọc Báo in

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk (Bài 3)

09:31, 25/01/2018
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, của Khu ủy V và Mặt trận Tây Nguyên, cuối năm 1967, Tỉnh ủy Đắk Lắk họp bàn kế hoạch khẩn trương chuẩn bị các mặt cho đợt hoạt động, tập trung vào chiến trường trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột.

Về tổ chức chỉ đạo, chỉ huy cuộc tiến công và nổi dậy, ở tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy chung do đồng chí Trương Cao Dũng, Tham mưu Phó Mặt trận Tây Nguyên làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Bốn Đạo (Nguyễn Xuân Nguyên), Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy. Ở thị xã Buôn Ma Thuột tổ chức hai ban chỉ huy ở cánh Nam và cánh Bắc. Ban Chỉ huy chung đã xác định nhiệm vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Đắk Lắk:

Một là, tích cực phối hợp với chiến trường tiêu diệt nhiều sinh lực địch trước ngày tổng tiến công và nổi dậy, nhằm thu hút địch ra ngoài thị xã, ghìm chân chúng ở đó, đồng thời đánh phá kho tàng, một số cơ quan đầu não và bọn kìm kẹp, làm tan rã tổ chức ngụy quân, ngụy quyền; tập dượt và phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh diệt ác, mở rộng cơ sở chính trị trong và chung quanh thị xã.

Hai là, triệt để chấp hành giờ nổ súng tiến công địch, huy động toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị, binh vận tấn công vào trọng điểm thị xã Buôn Ma Thuột nhằm tiêu diệt một số mục tiêu trong hệ thống phòng thủ chủ yếu của địch, trọng điểm là các cơ quan đầu não ngụy quyền, ngụy quân từ cấp tỉnh đến cấp xã, chiếm công sở, phương tiện thông tin, đài phát thanh, làm tê liệt hệ thống thông tin của địch. Đánh chiếm thị xã và các ấp chung quanh, hỗ trợ quần chúng cùng lực lượng vũ trang bao vây tiêu diệt bọn ác ôn đầu sỏ, động viên các lực lượng vũ trang kiên quyết bám trụ thị xã và phát triển thắng lợi ra toàn tỉnh.

Lúc này trên chiến trường Đắk Lắk, địch có 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp cùng với lực lượng Sư bộ 23, khoảng 6.000 quân. Bảo an có 1 chiến đoàn và 8 đại đội, thám báo 9 đại đội, cảnh sát 5 đại đội và 250 đại đội dân vệ. Địch có 2 tiểu khu, 11 quận lỵ, chi khu, 22 cứ điểm. Quân Mỹ có 450 tên cố vấn và 1 đại đội công binh đang làm đường 14.

Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân giải phóng phá hủy (2-1968).  Ảnh:Tư liệu TTXGP
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân giải phóng phá hủy (2-1968). Ảnh:Tư liệu TTXGP

Lực lượng của ta có 1 trung đoàn (E33) và 2 tiểu đoàn chủ lực của mặt trận Tây Nguyên mới bổ sung. Bộ đội địa phương tỉnh có tiểu đoàn bộ binh, tiểu đoàn đặc công, một đại đội bộ binh, các đội trợ chiến, công binh vận tải và các phân đội thông tin trinh sát, bộ đội huyện mỗi nơi có 1 trung đội. Thị xã Buôn Ma Thuột có hai trung đội xung kích ở cánh bắc và cánh nam. Du kích toàn tỉnh có khoảng 1.200 người.

Trong thị xã Buôn Ma Thuột lúc này cơ sở chính trị của ta khá mạnh, có trên 200 trung kiên, cốt cán, có các đội tự vệ mật đã hoạt động diệt ác, trừ gian trong nội thị. Về chi bộ Đảng, cuối năm 1967 nội thị có 1 chi bộ, 3 đảng viên sống hợp pháp. Lúc chuẩn bị tấn công ta đưa vào thêm 6 cán bộ, đảng viên và kết nạp thêm 7 đảng viên mới, thành lập thêm 3 chi bộ, lập đội vệ quyết tử, đội phát động quần chúng, đội binh vận, đội giao liên dẫn đường cho bộ đội và đón tiếp các đoàn biểu tình từ ngoài vào. Ta cũng chuẩn bị một số hầm bí mật trong các cơ sở nội tuyến để giấu cán bộ chỉ đạo và thương binh, chuẩn bị 20 tấn gạo ở căn cứ bàn đạp và trong nội thị. Cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch lúc này cũng khá đông, ta có cơ sở ở Sư bộ 23, ở khu kho Mai Hắc Đế, ở khu thiết giáp, khu pháo binh và một số nơi khác.

Nhìn chung, công tác chuẩn bị trong thị xã làm tốt, đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ cho đến giờ nổ súng. Ở các huyện nông thôn, ta phát động quần chúng tổ chức lực lượng nổi dậy thành từng trung đội, đại đội có cán bộ nòng cốt chỉ đạo, động viên nhân dân chuẩn bị lương thực phục vụ cho đợt hoạt động.

Ngoài ra, ta có tổ chức các hoạt động nghi binh để kéo sự chú ý đối phó của địch ra vùng ven như tấn công vào quận lỵ Lạc Thiện ngày 22-11-1968; ở Buôn Hồ lực lượng của ta đánh vào các ấp buôn Trinh, buôn A Nua, ấp Cuôr Đăng và phục kích đánh địch ở đèo Hà Lan trên đường 14. Những hoạt động nghi binh của ta đã kéo sự chú ý đối phó của địch ra vùng ven, tạo điều kiện cho lực lượng của ta áp sát vào thị xã nhưng vẫn bảo đảm được tính bất ngờ.

Cuộc tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột bắt đầu vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 30-1-1968. Ở phía nam, Tiểu đoàn 301, bộ đội địa phương tỉnh tấn công vào Ty ngân khố và phát triển đánh sang Tòa hành chính, đánh chiếm và làm chủ hai mục tiêu này trong 3 ngày Tết. Cũng trong thời gian này, một đại đội của tỉnh có cơ sở dẫn đường đã đánh vào nhà lao Buôn Ma Thuột để giải thoát cho các đồng chí, đồng bào đang bị địch giam giữ.

Ở phía tây nam, Tiểu đoàn 39 tiến công dồn dập vào đài phát thanh Buôn Ma Thuột và trường huấn luyện, tiêu diệt 1 đại đội bảo an, bắt sống 3 tên Mỹ và làm chủ được hai mục tiêu này.

Mũi tiến công quan trọng nhất ở phía Nam là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 33 nhận nhiệm vụ đánh chiếm Sư bộ 23 và tiếp nối liên lạc với cánh Bắc trong thị xã, nhưng trên đường tiếp cận mục tiêu gặp địch phải tác chiến kéo dài, người dẫn đường bị thương nên không đánh vào Sư bộ 23 được, không liên lạc được với cánh Bắc.

Ở cánh Bắc đêm 30 Tết, lực lượng của ta đã tiến công vào thị xã nhưng không liên lạc được với cánh Nam theo kế hoạch hiệp đồng. Trưa ngày mồng Một, địch đưa xe tăng ra đánh quyết liệt buộc quân ta ở cánh Bắc phải rút lui ra ngoài thị xã. Tối mồng Hai Tết, lực lượng của ta đánh vào khu pháo binh tiêu diệt được một số địch nhưng không dứt điểm được.

Trước sức tấn công dồn dập, đồng loạt và bất ngờ của ta, các cứ điểm của địch hoảng hốt không kịp phản ứng. Mười phút sau địch mới chống trả quyết liệt bằng máy bay lên thẳng, pháo binh bắn phá ác liệt vào khu thiết giáp. Trong những ngày mùng Một, Hai, Ba Tết, địch dùng bộ binh và máy bay bắn phá ác liệt vào các khu dân cư trong nội thị. Ta tấn công giành giật với địch từng mục tiêu trong thị xã. Trưa ngày mùng Ba, địch dùng máy bay đổ quân các trung đoàn 45 và 53 xuống sân bay Buôn Ma Thuột để phản kích, đánh chiếm lại các mục tiêu đã mất trong thị xã. Sau ngày mùng bốn, địch đổ Lữ đoàn dù 173 Mỹ ở Pleiku vào để hỗ trợ quân ngụy, lực lượng của ta chuyển sang đánh địch ở vùng ven. Lực lượng vũ trang các huyện cũng đồng loạt tấn công địch ở Buôn Hồ, Phước An, Lắk, Tây Cheo Reo.

Trong lúc cuộc tấn công quân sự ở thị xã Buôn Ma Thuột diễn ra quyết liệt thì ở một số đường phố trong thị xã Buôn Ma Thuột, quần chúng đã xuống đường chiếm các trụ sở ở thôn ấp, xé cờ và khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng và rải truyền đơn, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Tại chùa Khải Đoan, sáng mùng Một Tết, gần 7.000 đồng bào đã tập trung trước sân nghe tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng. Tại nhà thờ trung tâm thị xã và vườn cao su Km3, trên 5.000 đồng bào cũng tập trung biểu dương khí thế cách mạng.

Ở nông thôn, quần chúng các huyện Buôn Hồ, bắc Buôn Ma Thuột, huyện Lắk gồm trên 18.000 người, với khí thế khởi nghĩa kéo về thị xã Buôn Ma Thuột. Cánh Bắc có trên 6.000 người phần lớn là đồng bào các dân tộc huyện Tây Cheo Reo, Buôn Hồ kéo ra đường 14 đến buôn Cuôr Đăng thì bị địch chặn lại, chúng xả súng vào đoàn người. Trước tình thế đó, cán bộ lãnh đạo đã quyết định chuyển đồng bào về phía Từ Cung để củng cố lực lượng. Ở cánh Nam có 2.500 người, có cả đồng bào Kinh và Thượng ở huyện Lắk và vùng ven Buôn Ma Thuột kéo về Ea Kao thì bị địch chặn lại.

Cánh đông nhất và đấu tranh quyết liệt nhất là ở phía đông, với trên 9.000 người gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc H8 (Krông Pắc), H9 (Krông Bông) - vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh theo đường 21 tiến về thị xã, trên đường đi có nhiều đồng bào hai bên đường gia nhập thêm. Đến cách thị xã khoảng 9 km thì bị địch chặn lại đàn áp khốc liệt, địch đã gây thương vong trên 200 người, đoàn biểu tình không tiến vào thị xã được.

Trong đợt tiến công và nổi dậy đợt 1, quân và dân trong tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, bắt sống 85 tên, trong đó có 3 tên Mỹ, đánh quỵ một tiểu đoàn và một đại đội, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 12 kho xăng dầu, bom đạn, thu nhiều vũ khí đạn dược của địch. Đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã từ 3 - 5 ngày. Ở nông thôn, ta đánh phá ấp chiến lược, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ trên 5.000 dân.

Tiếp theo đợt 1, ta tiếp tục tiến công đợt 2, từ tháng 3 đến tháng 4-1968 đánh vào sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, Sở chỉ huy Trung đoàn 45 của địch, Khu công chính thị xã, Sư đoàn 23 ngụy. Trong đợt hoạt động sau Tết, ta đánh 36 trận, làm chết và bị thương 950 tên địch. Ở các huyện nông thôn, bộ đội huyện đánh vào quận lỵ Buôn Hồ, thị xã Cheo Reo, Lắk….

Phát huy khí thế tiến công, ngày 23-8-1968, ta mở đợt tiến công thứ 3. Trong đợt này, lực lượng của tỉnh, huyện đánh 108 trận, loại khỏi vòng chiến dấu 964 tên địch.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân như một đòn sấm sét đối với đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền. Các lực lượng vũ trang của tỉnh và bộ đội chủ lực đã đánh 442 trận, tiêu diệt 6.558 tên địch, phá hủy 309 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 12 máy bay trực thăng.

(Còn nữa)

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.