Nội dung và kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
LTS: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21-5 đến 15-6-2018 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu nội dung và kết quả của kỳ họp này.
I. Công tác lập pháp
Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng (nhất là các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương) và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
1. Các luật được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…
- Luật Đo đạc và bản đồ được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Luật gồm 9 chương, 61 điều, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
- Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về biện pháp bảo vệ an ninh mạng, không gian mạng quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
- Luật Tố cáo được sửa đổi toàn diện, gồm 8 chương, 67 điều quy định nhiều nội dung quan trọng về người có quyền tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo…
- Luật Cạnh tranh được sửa đổi toàn diện, gồm 10 chương, 118 điều với nhiều quy định mới quan trọng về: hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hạn chế cạnh tranh; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; quy trình tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh...
- Luật Quốc phòng được sửa đổi toàn diện, gồm 7 chương, 40 điều; quy định bổ sung, cụ thể hơn về nhiều nội dung như: quân sự; chiến tranh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân; phòng thủ đất nước; chiến tranh thông tin; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thảm họa; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội đồng nhân dân các cấp về quốc phòng; việc kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội; quyền, nghĩa vụ của công dân “bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”; phòng thủ quân khu; đối ngoại quốc phòng; hành vi bị nghiêm cấm; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương...
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã sửa đổi, bổ sung các quy định về: thể dục, thể thao quần chúng; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao (bổ sung cụ thể quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên; thẩm quyền ban hành luật thi đấu của môn thể thao); đặt cược thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập; đất đai dành cho thể dục, thể thao…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, loại bỏ các quy hoạch sản phẩm. Quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ không tiếp tục được lập riêng mà được tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh không lập riêng mà được tích hợp tại quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Internet |
2. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
- Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng về “xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Dự án Luật trình Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017), hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật mới; nhiều quy định về cơ chế, chính sách mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau; một số quy định của dự thảo luật chưa được giải thích đầy đủ gây hoang mang trong dư luận và một bộ phận nhân dân.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 5 và chuyển sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
- Luật Chăn nuôi quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.
- Luật Trồng trọt quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
- Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước; thẩm quyền, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc; các hành vi tham nhũng; về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; quy tắc ứng xử, tặng quà và nhận quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
- Luật Đặc xá (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; thời điểm đặc xá; điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước; người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt và việc thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện đặc xá; quy định tái hòa nhập cộng đồng; vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác đặc xá...
- Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung lớn như: hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong Công an nhân dân; công nghiệp an ninh; các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân, vị trí của Công an nhân dân, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đối với Công an nhân dân…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; chính sách đối với người học nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư, tài chính trong giáo dục; hoàn thiện cơ chế quản trị của cơ sở giáo dục…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: mô hình hệ thống giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt động về chuyên môn đào tạo, tài chính và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của các trường đại học cũng như nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học…
3. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, điều chỉnh Chương trình năm 2018 để bổ sung 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lùi thời gian trình 2 dự án luật; đưa ra khỏi Chương trình 3 dự án luật. Chương trình năm 2019 gồm 18 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội và được xây dựng theo hướng mở, cho phép bổ sung, sửa đổi các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về cán bộ, công chức theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
4. Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
(Còn nữa)
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc