Multimedia Đọc Báo in

Phiên chất vấn – trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa IX

"Nóng" vấn đề quản lý đất, rừng

22:00, 05/07/2018
Chiều 5-7, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê, Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.  
 
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an tỉnh đã trả lời nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Y Si Thắt Ksơr (tổ đại biểu huyện Buôn Đôn) về nội dung có trường hợp doanh nghiệp được giao và cho thuê đất trồng, quản lý bảo vệ rừng, sau đó giải thể đã “phù phép” biến đất công thành đất tư, thậm chí một số nơi còn cắt đất ra bán, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Lam giải trình: Để tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Buôn Đôn nói riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện nơi doanh nghiệp sử dụng đất, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư.

Đại biểu
Đại biểu Y Si Thắt Ksơr nêu vấn đề chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

 Qua thanh tra đã phát hiện và tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất của 2 doanh nghiệp sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27-6-2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trong vùng dự án đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tổ chức các dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với chất vấn của đại biểu Bùi Thị Hà Giang (tổ đại biểu huyện Ea H’leo) về nội dung xử lý vi phạm đối với một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất tại Khu công nghiệp Ea Răl (huyện Ea H’leo), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình: Tại Cụm công nghiệp Ea Răl có 3 doanh nghiệp được thuê  đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng. Hiện các đơn vị này đã có đơn xin gia hạn và UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho các đơn vị được gia hạn theo quy định. Nếu hết thời gian gia hạn, các đơn vị không đưa đất vào sử dụng thì UBND tỉnh sẽ tiến hành thu hồi theo quy định.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình tại phiên chất vấn-trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Gia
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Gia

 Về tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng, đất có nguồn gốc từ đất rừng vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ, gắn với việc quản lý dân di cư ngoài kế hoạch mà đại biểu Nguyễn Hoàng Giang (tổ đại biểu huyện Ea Súp) nêu lên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương trả lời: Mặc dù việc sắp xếp dân di cư ngoài kế hoạch đã được sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án để ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, nhưng hiện nay vẫn còn 4.111 hộ, 20.102 khẩu chưa được bố trí ổn định. Cụ thể, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định dân di cư ngoài kế hoạch như: đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bố trí dân cư và xây dựng 17 dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư; trong đó đã triển khai 13/15 dự án phê duyệt (địa bàn huyện Ea Súp có 3 dự án), tuy nhiên hiện chưa có dự án nào hoàn thành do vốn bố trí thấp so với yêu cầu.

Để ổn định dân di cư ngoài kế hoạch trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hoài Dương cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bố trí dân cư; chỉ đạo quyết liệt các chủ rừng, chủ dự án, các xã tăng cường công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, kịp thời phát hiện số dân di cư tự do đến địa phương và lâm phần thuộc đơn vị quản lý, có các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, thực hiện tốt công tác quản lý đất đai và bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý, giải quyết triệt để đối với các đối tượng cố tình vi phạm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xâm canh, mua bán sang nhượng đất đai trái pháp luật...

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu H’Blá Mlô (tổ đại biểu thị xã Buôn Hồ) về cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà giải trình: Sở Giao thông vận tải đã đi kiểm tra thực tế các tuyến đường kết nối đường Hồ Chí Minh và tham mưu cho UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho cải tạo, sửa chữa 10 tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh; trong đó có 6 tuyến thuộc thị xã Buôn Hồ, 2 tuyến thuộc huyện Krông Búk, 2 tuyến thuộc TP. Buôn Ma Thuột. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra thực tế các tuyến đường để xem xét, đối chiếu các tiêu chí, cân đối nguồn vốn kết dư Dự án cải tạo, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên và tổng hợp báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sở Giao thông vận tải hiện đang tiếp tục theo dõi, phối hợp cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nắm thông tin, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh nhằm đảm bảo đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên địa bàn tỉnh....

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu về các vấn đề mà cử tri quan tâm như tình trạng các một số khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Sêrêpôk; việc xử lý, giải quyết bồi thường, hỗ trợ và sử dụng đất tại khu vực sân bay Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn); việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trách nhiệm để xảy ra việc người dân lấn chiếm, khai phá, sử dụng, thậm chí chuyển nhượng trái phép đất tại các dự án nông, lâm nghiệp; tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh...
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.