Multimedia Đọc Báo in

Món quà đặc biệt đến với Trường Sa

10:38, 17/02/2019

Đồng hành cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân trong chuyến công tác thay, thu quân và tặng quà Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã mang một món quà đặc biệt đến những người lính đang canh giữ biển đảo Tổ quốc ở Quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Đó là lá cờ đỏ sao vàng có chữ ký của Ban huấn luyện và các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam - món quà mang ý nghĩa đặc biệt bởi nó thể hiện ý chí chiến đấu cùng sự dâng hiến sức trẻ vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu!

Trong năm 2018 vừa qua, U23 cũng như đội tuyển bóng đá quốc gia đã tạo nên một mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá nước nhà khi giành được ngôi Á quân tại Giải vô địch bóng đá U23 Châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc); đứng vị trí thứ tư ở Asiad 2018 tại Indonesia và nhất là vô địch AFF Suzuki Cup 2018 trên sân nhà Mỹ Đình. Vì vậy, sau khi có lịch trình cùng Đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân ra thăm các đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, Ban chủ nhiệm CLB lên ý tưởng xin chữ ký của Ban huấn luyện và các tuyển thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam lên 5 lá cờ Tổ quốc, 1 chiếc áo thi đấu và 1 quả bóng để tặng cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đón nhận lá cờ Tổ quốc do CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao tặng.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đón nhận lá cờ Tổ quốc do CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao tặng.
 

“Đây là món quà có ý nghĩa đặc biệt nhằm cổ vũ, động viên, làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió; đồng thời tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

 
 
Thượng úy Đậu Quang Thành, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin

Theo anh Trần Vũ Thành - Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, kế hoạch xin chữ ký Ban huấn luyện và các cầu thủ được đưa ra trước khi toàn đội sang Quatar tập huấn chuẩn bị cho Asian Cup 2019. Chữ ký trên lá cờ Tổ quốc được xin tại buổi tập ở sân, còn chữ ký trên áo đấu và quả bóng được xin tại khách sạn nơi đội tuyển lưu trú. “Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thông qua CLB gửi tặng áo đấu, cờ Tổ quốc, quả bóng có chữ ký của toàn đội và lời chúc sức khỏe tới các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc” - anh Thành thông tin.

Trên chuyến tàu HQ 561 đến thăm các đảo, điểm đảo thuộc tuyến giữa Quần đảo Trường Sa, lá cờ đỏ sao vàng có chữ ký của Ban huấn luyện và các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam đã được anh Hoàng Anh Dũng - Chánh Văn phòng CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao tặng đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin – được xem là đảo tiền tiêu, vì cách đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 1,9 hải lý. Theo anh Dũng, đội tuyển U23 Việt Nam cũng như đội tuyển bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ cùng độ tuổi với các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Tuy mỗi người đang “chiến đấu” trên những mặt trận khác nhau nhưng cùng chung mục đích đó là vì màu cờ của đất nước Việt Nam.

            Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam  ký tặng  trên cờ  Tổ quốc  và áo  thi đấu.   Ảnh: CLB Tuổi trẻ  vì biển đảo quê hương.
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam ký tặng trên cờ Tổ quốc và áo thi đấu. Ảnh: CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Thiếu úy - quân nhân chuyên nghiệp kiêm Bí thư Chi đoàn đảo Cô Lin Nguyễn Văn Ninh chia sẻ: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và người dân khắp mọi miền đất nước đều hướng về Trường Sa thân yêu, đây thật sự là nguồn động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Khi nhận được lá cờ đỏ sao vàng có đầy đủ chữ ký của cầu thủ và Ban huấn luyện, chúng tôi thật sự xúc động. Cũng giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa khác, chúng tôi rất yêu thể thao, đặc biệt là bóng đá và rất khâm phục những cầu thủ trên sân cỏ. Họ cũng giống chúng tôi, cũng hết mình vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Điều đó càng làm cho chúng tôi thêm quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.