Multimedia Đọc Báo in

Viết tiếp những trang sử vàng Chiến thắng 10-3

08:03, 08/03/2019

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trận Buôn Ma Thuột được coi là trận đánh then chốt mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, là đòn điểm huyệt đầu tiên có ý nghĩa chiến lược, tạo ra cục diện chiến tranh mới, đưa đến thắng lợi quyết định.

Những ngày đầu năm 1975, trước tình hình phát triển của cách mạng trong cả nước, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lịch sử và quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chiến lược, mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là thị xã lớn nhất Tây Nguyên, lại nằm trên trục đường 14 và 21 (nay là Quốc lộ 26) thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch và mở rộng đến các tỉnh Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Đánh vào Buôn Ma Thuột sẽ làm đảo lộn thế phòng thủ của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên; trực tiếp uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi là trang sử vàng oanh liệt của quân và dân ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là thành quả của nhiều nhân tố, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk vô cùng tự hào vì những đóng góp to lớn trong suốt quá trình chuẩn bị lâu dài cũng như trong diễn biến trận đánh và sau khi đã giành thắng lợi.

Với thế trận đã được chuẩn bị, từ đầu tháng 3-1975, trên tất cả các chiến trường từ Trị Thiên đến Khu V, từ Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta đã mở hàng loạt trận tiến công vào quân địch với quy mô vừa và nhỏ, đồng thời gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công chiến lược. Từ ngày 4 đến 9-3, quân ta đánh cắt giao thông trên các tuyến đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung; chia cắt đường số 14 để cô lập khu vực bắc Tây Nguyên với nam Tây Nguyên; tiến công đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (8-3), Đức Lập (9-3), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. Trong hai ngày 10 và 11-3, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đánh thắng trận then chốt của chiến dịch. Trên đà chiến thắng, từ ngày 12-3 đến hết ngày 21-3, ta tiếp tục tấn công tiêu diệt các cứ điểm còn lại trong toàn tỉnh, giải phóng Buôn Hồ, Cư M’gar, Buôn Đôn… Đến ngày 28-3-1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.

TP. Buôn Ma Thuột hôm nay.  Ảnh: H.Gia
TP. Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: H.Gia

Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ huy động toàn bộ lực lượng tiến lên giành thắng lợi quyết định trước mùa mưa năm 1975.

Sau 44 năm giải phóng, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần Chiến thắng 10-3, đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Từ một địa phương có nhiều khó khăn, Đắk Lắk đã có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường; quan hệ đối ngoại tiếp tục được củng cố và mở rộng. An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang viết tiếp những sử vàng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực, xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùngTây Nguyên.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.