Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả cải cách hành chính: Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo

08:47, 30/05/2019

"Chương trình khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2018” do Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai cuối năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước các địa phương.

Chương trình triển khai tại 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với quy mô 1.670 phiếu xin ý kiến để thu nhận ý kiến của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các huyện, thị xã, thành phố. Qua gần 2 tháng triển khai tích cực với phương pháp thu thập thông tin khách quan, khoa học, Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2018 đã cung cấp một hệ thống thông tin đánh giá tương đối toàn diện từ phía người dân, tổ chức về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 81,5% ý kiến của người dân và tổ chức khẳng định chỉ cần đi lại 1 - 2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 95,7% ý kiến cho rằng không bị cán bộ, công chức gây phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; trên 90% ý kiến cho biết hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hơn hẹn; Chỉ số hài lòng chung về sự phục vụ của các cơ quan hành chính đạt mức khá cao là 78,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Doanh nghiệp và người dân chưa có thói quen giao dịch hành chính điện tử (chỉ có 12% tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin về việc cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng Internet, trang thông tin điện tử của UBND huyện, thị xã, thành phố); ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, nhất là ở cấp huyện (30,4% giao dịch hành chính ở cấp huyện phải đi lại từ 3 lần trở lên); vẫn còn một số ít cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí (2,2% ý kiến cho rằng công chức có gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí). Một số cơ quan hành chính nhà nước chưa kịp thời thông báo trước và gửi thư xin lỗi người dân, tổ chức đối với những trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của các cơ quan hành chính ở địa phương chưa được quan tâm, giải quyết đúng mức…

Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính vì sự hài lòng và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, ngày 30-1-2019 Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích, sự thuận tiện khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ hành chính công trực tuyến, tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức cần đảm bảo đúng quy định về trình tự, quy trình giải quyết; thành phần hồ sơ...

Khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn, ngoài việc xin lỗi bằng văn bản theo Chỉ thị số 18, ngày 28-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, cần thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức bằng nhiều cách thức khác, như gọi điện thông báo, gửi thông báo xin lỗi qua địa chỉ thư điện tử của cá nhân, tổ chức; chủ động xây dựng phương án đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông…

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.