Multimedia Đọc Báo in

Khi cán bộ gần dân, sát dân

09:06, 02/07/2019

Thường xuyên gần dân, sát dân để nắm bắt hoàn cảnh cụ thể của các hộ khó khăn, từ đó thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ để họ vươn lên, thoát nghèo bền vững là cách làm của cán bộ xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar).

Mới đây, trong một lần đi kiểm tra tình hình tại cơ sở, ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Nguyễn Mai (SN 1971) ở thôn Tiến Đạt. Vợ chồng ông Mai sức khỏe yếu lại không có đất sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống. Gia đình ông Mai có 4 thành viên phải ở nhờ trong chòi canh cà phê của một người dân địa phương. Thương hoàn cảnh khốn khó, người thân của ông Mai đã chia cho gia đình ông một mảnh đất để ở nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có tiền xây dựng nhà.

“Ngay khi biết được hoàn cảnh của gia đình ông Mai, tôi đã liên hệ, đến gặp từng mạnh thường quân để vận động hỗ trợ. May mắn, đầu năm 2019, Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt đã hỗ trợ 89 triệu đồng, nhiều mạnh thường quân khác giúp đỡ bàn ghế, giường… để gia đình ông Mai có được căn nhà kiên cố rộng gần 50 m2. Nhà cửa ổn định, vợ chồng ông Mai có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học”, ông Kiên cho biết.

Cán bộ Khuyến nông kiểm tra mô hình trồng ớt của gia đình anh Đinh Công Sơn (thôn Tiến Cường).
Cán bộ Khuyến nông kiểm tra mô hình trồng ớt của gia đình anh Đinh Công Sơn (thôn Tiến Cường).

Không chỉ gia đình ông Nguyễn Mai, từ năm 2016 đến nay, xã Quảng Tiến đã xây dựng 9 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo theo Chương trình 167, nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 400 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn huy động sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh xóa 4 căn nhà tạm (50 – 90 triệu đồng/căn) cho hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Tiến còn thực hiện nhiều cách làm thiết thực, ý nghĩa nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nổi bật là cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Theo đó các hội, đoàn thể của xã vừa làm "cầu nối" vừa thực hiện các hoạt động giúp đỡ người nghèo. Hiện tại, xã đã có 6 địa chỉ nhân đạo do Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… nhận giúp đỡ. Với phương châm “chậm mà chắc”, các tổ chức hội nhận hỗ trợ hộ nghèo, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng để từ đó chọn những mô hình, cây, con giống phù hợp để giúp đỡ. Với cách làm này, Hội Nông dân xã đã giúp 4 hộ dân thoát nghèo bền vững.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: “Năm 2018, Hội Nông dân xã tiếp tục đăng ký giúp đỡ 2 hộ nghèo. Ban đầu, tôi đến kiểm tra tình hình, lắng nghe nguyện vọng của người dân, rồi cùng bàn bạc để có những phương án giúp đỡ phù hợp. Sau đó trích quỹ, huy động kinh phí từ các mạnh thường quân để hỗ trợ cây, con giống, phân bón… cho họ. Đồng thời, tôi vận động những hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi về những mô hình cây, con đó, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật khi các hộ nghèo có nhu cầu học hỏi.”

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Đinh Công Sơn (thôn Tiến Cường) được Hội Nông dân xã Quảng Tiến hỗ trợ.
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Đinh Công Sơn (thôn Tiến Cường) được Hội Nông dân xã Quảng Tiến hỗ trợ.

Gia đình anh Đinh Công Sơn (SN 1982, ở thôn Tiến Cường) là một trong hai hộ nghèo đang được Hội Nông dân xã nhận giúp đỡ. Gia đình anh Sơn chưa có nhà ở kiên cố, hai con đang ở độ tuổi ăn học trong khi kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào 3 sào đất cằn cỗi, bỏ không nhiều năm. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Sơn nhận làm thuê rẫy cà phê cho người dân tại địa phương, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập khá thấp. Tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân nghèo của vợ chồng anh Sơn là do thiếu vốn và chưa có hướng phát triển kinh tế phù hợp, Hội Nông dân xã đã trích quỹ Hội 6 triệu đồng giúp anh Sơn trồng ớt trên 3 sào đất cằn cỗi của gia đình. Chính quyền xã còn trao cho anh Sơn 4 con dê giống trị giá 8 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông và 2 con bò (nuôi luân chuyển) trị giá 23 triệu đồng từ Quỹ Giúp nhau xóa đói giảm nghèo để anh phát triển sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh Sơn thu về 500 nghìn đồng/ngày từ mô hình trồng ớt. Kinh tế gia đình anh Sơn đã khá lên, xác định được hướng đi mới trong làm ăn để từng bước ổn định cuộc sống.

Gần dân, sâu sát với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, kịp thời trợ lực về vốn, khoa học kỹ thuật, từ năm 2016 đến nay Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Tiến đã giúp 35 hộ thoát nghèo, không có hộ tái nghèo. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 30 hộ nghèo (chiếm 1,59% tổng số hộ).

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.