Tổ chức Công đoàn tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của người lao động
Những năm qua, cùng với sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là công tác bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động. Các cấp công đoàn trong tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, có năng lực và sức chiến đấu cao; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, duy trì trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên”.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết những bức xúc về lao động, việc làm; chăm lo đời sống của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tạo điều kiện để phát triển lực lượng công nhân lao động cả về số lượng và cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ cấp bách, là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực tỉnh Phạm Minh Tấn tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình Tết Sum vầy 2019 tại Khu công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). |
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công đoàn trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, lao động nâng cao nhận thức về Đảng, về đất nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam; trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của từng địa phương và lĩnh vực, ngành nghề; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, sát với đặc điểm tình hình; trong đó, cần khắc phục tình trạng hành chính hóa trong công tác công đoàn, để Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, thu hút công nhân, viên chức, lao động tham gia; đồng thời làm tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Hai là, tăng cường vận động công nhân, viên chức, người lao động không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận và làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào công tác, sản xuất; đồng thời nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, để công nhân, viên chức, người lao động có ý chí vươn lên, luôn phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, qua đó đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.
Ba là, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho công nhân, viên chức, lao động; tích cực tham gia vào chủ trương, cơ chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động, phối hợp tổ chức tốt việc ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tranh chấp lao động. Tăng cường tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động, cán bộ công đoàn, vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,… kịp thời kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể và người sử dụng lao động phát động tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động và Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và tăng cường biểu dương gương "người tốt, việc tốt" trong công nhân, viên chức, người lao động.
Năm là, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng, bồi dưỡng công nhân ưu tú tạo nguồn giới thiệu cho tổ chức Đảng; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thật sự là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, viên chức, người lao động.
Phạm Minh Tấn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc