Multimedia Đọc Báo in

Người uy tín giữ bình yên cho buôn làng

08:00, 07/08/2019

Mhững năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Giúp người lạc lối trở về

Trong căn nhà dài truyền thống, ông Y Krú Ayun (buôn Đrao) treo hàng chục tấm Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tặng. Ông Y Krú từng đảm nhiệm nhiều chức vụ, nay là Trưởng ban Mặt trận buôn, ở cương vị nào ông cũng tận tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp của mình, 20 năm qua, ông luôn được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín của buôn.

Ông  Y Krú Ayun chăm sóc vườn cây của  gia đình.
Ông Y Krú Ayun chăm sóc vườn cây của gia đình.

Năm 2009, buôn Đrao từng là địa bàn "nóng" về tình trạng vượt biên trái phép. Nhiều hộ gia đình đã nghe theo lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu bỏ làng vượt biên sang Campuchia, Lào với giấc mộng đổi đời. Trước tình hình đó, ngoài việc phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các cuộc họp dân, ông còn chủ động tìm đến từng nhà người thân của các đối tượng vượt biên để nói về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và hậu quả của việc vượt biên trái phép rồi tìm cách liên lạc, vận động họ trở về nước. Nhờ vậy mà nhiều người đã nhận ra sai lầm, trở về buôn làng, tu chí làm ăn.

Đơn cử như vợ chồng Y Bhi Niê dù đã có nhiều đất đai, nhà cửa khang trang nhưng vì tin theo lời của kẻ xấu, năm 2015 họ đã mang theo 3 đứa con cùng 2 người em vợ vượt biên sang Campuchia. Biết tin, ông thường xuyên tìm đến nhà con gái của vợ chồng Y Bhi để nói chuyện, khuyên nhủ bố mẹ mình quay về. Nhờ kiên trì vận động mà đầu năm 2019, vợ chồng Y Bhi đã trở về địa phương.

Theo ông Y Krú, khi đi tuyên truyền, vận động ông thường đem câu chuyện về cuộc sống khốn khổ nơi đất khách quê người cho bà con hiểu mà từ bỏ hẳn tư tưởng vượt biên. Hiện vẫn còn một số người chưa về được, nhưng mấy năm nay trong buôn không có trường hợp nào vượt biên trái phép nữa. Bà con trong buôn ai cũng chăm chỉ lao động, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Trong các buổi họp buôn, ông thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn được biết đến là người luôn đi đầu trong việc kêu gọi mọi người giữ gìn và duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp như lễ cúng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả..., bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Hòa giải viên của buôn

Ông Y Tio Mlô (buôn Ktơng Drun) được người dân trong buôn tin yêu, bầu là người có uy tín. Dù đang bước sang tuổi 80 nhưng ông luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào của buôn. Để làm tốt vai trò của mình, ông thường xuyên gặp gỡ bà con trong buôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng vừa tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn dân cư an toàn, văn hóa, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

Năm 2015, khi nhận được thông tin người dân phản ánh có tình trạng thanh, thiếu niên trong buôn tụ tập sử dụng chất ma túy, ông đã tổ chức họp buôn để nắm bắt tình hình, tuyên truyền về tác hại của ma túy cũng như yêu cầu các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con cái, tránh sa vào các tệ nạn xã hội. Ông cũng tìm đến những địa điểm mà thanh niên thường xuyên lui tới để khuyên giải các cháu thay đổi cách nghĩ, cách làm hướng đến cuộc sống tốt đẹp. Nhờ vậy mà đến nay trong buôn không còn tình trạng thanh niên nghiện ma túy hay đua xe, gây rối trật tự.

Ông Y Tio Mlô chia sẻ về công tác hòa giải.
Ông Y Tio Mlô chia sẻ về công tác hòa giải.
 

“Trên địa bàn xã Cư Né hiện có 13 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, người uy tín đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”

 
 Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né Y Huấn Mlô

Ông Tio còn tích cực giúp người dân giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong buôn. Với cách phân xử khéo léo, hợp tình hợp lý nên mọi việc dù lớn hay nhỏ đều được ông hòa giải thấu đáo, không để dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Như trường hợp chị H’Plu Niê nhiều lần bị chồng là Y Vư Ksơr chửi bởi, đánh đập sau mỗi lần đi nhậu về nên có ý định ly hôn. Nắm được thông tin, ông đã đến tận nhà gặp gỡ vợ chồng Y Vư để nói chuyện. Qua phân tích, Y Vư đã hiểu ra việc đánh đập vợ con là sai trái và hứa từ nay không uống rượu nữa mà sẽ chăm chỉ làm lụng để lo cho gia đình. Đến nay, gia đình Y Vư đã xây dựng nhà khang trang, có của ăn của để, vợ chồng sống thuận hòa với nhau.

Với những đóng góp của mình, ông Y Tio đã nhiều lần được các cấp khen thưởng. Mới đây, ông được Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên.

 

Mai Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.