Multimedia Đọc Báo in

Thiếu nguồn phát triển đảng viên tại các thôn, buôn ở Cư Đrăm

08:16, 08/08/2019
Đảng bộ xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) hiện có 210 đảng viên. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn của xã gặp rất nhiều khó khăn. Một số chi bộ thôn, buôn nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới.
 
Khó khăn chung trong công tác phát triển đảng viên ở 5 chi bộ các thôn đồng bào Hmông của xã Cư Đrăm chủ yếu là do việc thẩm tra lý lịch phức tạp và tình trạng vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Ở Chi bộ thôn Cư Dhắt, để thành lập được chi bộ vào năm 2014, Đảng ủy xã Cư Đrăm phải tăng cường 3 đảng viên về sinh hoạt. Từ khi thành lập đến nay, chi bộ mới chỉ kết nạp được 1 đảng viên. 

Hiện nay Chi bộ thôn Cư Dhắt có 4 đảng viên thì chỉ có 1 đảng viên là người tại chỗ, 1 đảng viên từ nơi khác chuyển về và 2 đảng viên được Đảng ủy tăng cường. Hằng năm chi bộ cũng theo dõi, bồi dưỡng và giới thiệu nhiều quần chúng ưu tú đi học lớp nhận thức về Đảng song việc kết nạp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu xác minh hồ sơ. Một số quần chúng viết lý lịch xin vào Đảng nhưng xác minh nhiều năm vẫn chưa kết nạp được; một số sau khi học xong lớp nhận thức về Đảng lại vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Đồng chí Ma Chẩu Dế (bìa phải), Bí thư Chi bộ thôn Ea Hăn đến gặp gỡ gia đình một quần chúng ưu tú.     Ảnh: T.Lâm
Đồng chí Ma Chẩu Dế (bìa phải), Bí thư Chi bộ thôn Ea Hăn đến gặp gỡ gia đình một quần chúng ưu tú. 
 
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Chi bộ thôn Yang Hăn. Thôn có 95 hộ, 507 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Hmông. Chi bộ thôn được thành lập năm 2012 với 4 đảng viên (trong đó có 2 đảng viên là người Hmông). Từ khi thành lập đến nay, Chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên và hiện đã chuyển đi địa phương khác.

Đồng chí Hoàng Văn Pao, Bí thư Chi bộ thôn Yang Hăn cho biết: “Một số quần chúng cũng muốn phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tuy nhiên họ lại không đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, một số người sinh đông con. Việc thẩm tra lý lịch gặp rất nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý của một số quần chúng. Hiện tại chi bộ vẫn còn 3 hồ sơ được đưa đi thẩm tra đã lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả”.

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở Chi bộ Trường Tiểu học Yang Hăn.
Một buổi sinh hoạt chi bộ ở Chi bộ Trường Tiểu học Yang Hăn.
Không chỉ các thôn người Hmông, ngay cả thôn người Kinh như thôn 2, suốt 5 năm nay cũng không kết nạp được đảng viên nào bởi Chi bộ không tìm ra nguồn để bồi dưỡng, kết nạp. Đồng chí Trần Hữu Thơ, Bí thư Chi bộ thôn 2 giãi bày: “Lứa tuổi thanh niên có trình độ trong thôn đa số đã đi học hoặc đi làm ăn xa.  Trong những năm tới, Chi bộ vẫn rất khó có nguồn phát triển đảng viên”.
 
Các Chi bộ thôn Ea Hăn, buôn Chàm A, buôn Cư Đrăm mấy năm nay cũng chỉ kết nạp được một số đảng viên và đó đều là cán bộ công chức, viên chức của UBND xã, trạm y tế, ban tự quản, chi hội, đoàn thể...  Đồng chí Ama Ô, Phó Bí thư Chi bộ buôn Chàm A ái ngại: “Việc phát triển đảng viên trong chi bộ đối với quần chúng không giữ chức vụ hoặc không tham gia các tổ chức, đoàn thể rất khó vì họ không có động cơ phấn đấu. Có quần chúng sau khi xuất ngũ được chi bộ giới thiệu đi học lớp nhận thức về Đảng nhưng họ không đi, không viết lý lịch”.
 
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ xã Cư Đrăm kết nạp được 30 đảng viên, chủ yếu là ở các chi bộ như quân sự, trường học, trạm y tế. Theo kế hoạch, năm 2019 Đảng bộ xã Cư Đrăm được giao kết nạp 11 đảng viên. Mặc dù các chi bộ đã quan tâm, bồi dưỡng nhiều đối tượng như cán bộ công chức, viên chức, bộ đội xuất ngũ, cán bộ ban tự quản, chi hội, đoàn thể, thôn đội trưởng, dân quân… song từ đầu năm đến nay, Đảng bộ xã vẫn chưa kết nạp được đảng viên nào.
 
Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.