Multimedia Đọc Báo in

Vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

08:45, 19/11/2019

Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11), các xã, thôn, buôn trên địa bàn tỉnh lại tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau ôn lại truyền thống, tư tưởng đại đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) vừa diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Ngày hội không chỉ có đông đủ đồng bào Êđê buôn Triă mà còn có đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, M’nông từ các xã lân cận Cư Dliê Mnông, Ea Drơng, Ea Kpam đến chung vui nên không khí càng thêm tưng bừng, rộn rã. 

Tạm gác lại công việc nương rẫy, bà con các buôn làng chọn cho mình bộ trang phục truyền thống rủ nhau về dự hội tấp nập trên các nẻo đường trong buôn, trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng trang hoàng cờ hoa rực rỡ. “Hôm nay là ngày vui lớn nên dù đang ngày mùa nhưng mọi người đều nghỉ làm, đến đây để giao lưu, gặp gỡ. Không ai muốn bỏ lỡ ngày hội lớn này, bởi mọi người đều ý thức trách nhiệm, bổn phận phải chung tay, góp sức giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó, thắt chặt hơn nữa tính cố kết cộng đồng”, già Y Ngôn Knul, Bí thư Chi bộ buôn Triă chia sẻ.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kdăm (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với đồng bào  buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.  Ảnh: Đ.Triều
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kdăm (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với đồng bào buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Đ.Triều

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân buôn Triă khai hội bằng điệu chiêng đón khách rộn rã, thể hiện lòng hiếu khách, lòng kiêu hãnh về dàn chiêng, đội chiêng mà đồng bào nơi đây còn lưu giữ được. Niềm tự hào ấy xuất phát từ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông, như nghệ nhân Y Wang Hwing - người tự nguyện mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, hát Khan cho thế hệ trẻ đã chia sẻ: “Nếu lễ hội mà không có âm thanh của cồng chiêng, tiếng vọng của núi rừng hòa theo những lời Khan cùng men say của ché rượu cần thì lễ hội không còn mang đúng ý nghĩa”...

Song song với việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc buôn Triă còn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiển hiện cụ thể qua con số hơn 85% hộ gia đình trong buôn được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa; năm 2017 buôn Triă được công nhận là buôn văn hóa. 

Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân với đồng bào buôn Triă, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kdăm - một người con đã trưởng thành từ mảnh đất Cư M’gar anh hùng kiên trung bày tỏ niềm vui lớn lao trước những đổi thay mạnh mẽ, từ cơ sở vật chất hạ tầng đến đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào trong buôn. “Khi tôi về đây 4 năm trước hạ tầng còn thiếu thốn, đường sá đi lại còn khó khăn mà nay tất cả đã đổi thay nhanh chóng, khang trang, sạch đẹp, đời sống đồng bào sung túc, no ấm, hộ nghèo chỉ còn 5/360 hộ. Có thể nói, đó chính là thành quả từ sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và đồng bào trong buôn”,  Y Thanh Hà Niê Kdăm nói.

Đó cũng chính là kết quả đạt được khi mà tất cả mọi người đều có ý thức tương trợ, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, vì vậy mới có người sẵn sàng hiến 400 m2 đất để làm nhà văn hóa cộng đồng, nhiều người tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo buôn làng.

Niềm vui trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân buôn Triă được nhân đôi, khi đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm tặng 300 triệu đồng, hỗ trợ xã Ea Tul, buôn Triă xây dựng nông thôn mới; còn 5 hộ nghèo trong buôn cũng cảm thấy ấm lòng, xúc động trước sự san sẻ, tương trợ của cộng đồng khi mỗi hộ nhận được một phần quà có giá trị.

Các thôn, buôn của xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) giao lưu bóng chuyền trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.    Ảnh: T. Nga
Các thôn, buôn của xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) giao lưu bóng chuyền trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: T. Nga

Trong các ngày từ 13 đến 18-11, các thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Rốk, huyện vùng biên Ea Súp cũng đã sôi nổi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ngay từ sáng sớm, những con đường làng, ngõ xóm đã được dọn vệ sinh sạch sẽ, các khu dân cư tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng và băng rôn, khẩu hiệu chào mừng. Bà con nhân dân các dân tộc trong trang phục truyền thống tưng bừng tham gia ngày hội. Tiếng đàn hát xen lẫn tiếng reo hò ở các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đã tạo nên bầu không khí vui tươi và rộn ràng.

Trong không khí phấn khởi, ấm áp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, bà Phạm Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Rốk cho biết: "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay cùng với hoạt động ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận xã còn tổ chức cho 18 thôn, buôn trên địa bàn giao lưu bóng chuyền nam, kéo co và đêm văn nghệ với chủ đề “Chung tay giúp đỡ người nghèo"; đồng thời tổ chức thăm hỏi, tặng 56 suất quà trị giá gần 12 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa”.

Ngày hội Đại đoàn kết thực sự là dịp để mọi người được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống, qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Anh Hứa Minh Nguyên (dân tộc Nùng, ở thôn 21) bộc bạch: “Hôm nay gia đình tôi tạm nghỉ việc nhà, tập trung về xã vui ngày hội với bà con. Mấy năm trước chúng tôi còn đóng góp tiền mua heo quay ăn mừng Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, năm nay bị 3 trận lũ lụt cuốn trôi hết tài sản, hoa màu nên chỉ tổ chức đơn giản, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Tuy vậy, mọi người vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai vì nhìn chung, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã đã có rất nhiều sự đổi thay, từ những con đường đất lầy lội nay đã bê tông hóa, điện thắp sáng về tận hộ gia đình giúp bà con sản xuất thuận tiện hơn, mạng Internet phủ sóng khắp mọi nơi, con em được học trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầy đủ tiện nghi… Qua Ngày hội, bà con thêm đoàn kết gắn bó để phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương”.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay cũng là dịp xã Ea Rốk tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, cũng nhờ tinh thần đoàn kết của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã tự nguyện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, hoa màu để hiến hơn 10.700 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng lò đốt rác thải. Trong 91 hộ tham gia hiến đất có những hộ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Xã Ea Rốk có 2.244 hộ với 9.531 khẩu, gồm 17 dân tộc cùng sinh sống ở 18 thôn, buôn, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 42% dân số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%. Là xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, người dân xã Ea Rốk chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, trong năm 2019 liên tục chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai lũ lụt nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Mặt trận xã Ea Rốk đã vận động được 247 triệu đồng từ các tấm lòng hảo tâm và doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xây dựng 4 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn gây ra. Mặt trận xã còn phối hợp với UBND xã vận động, giáo dục cảm hóa 1 đối tượng bị nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng thành công.

Đăng Triều - Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc