Cần phải có sự thay đổi căn cơ từ suy nghĩ đến hành động
LTS: Ngày 19-7-2019, Bộ Chính trị đã quyết định phân công đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Mặc dù thời gian công tác chưa nhiều, tuy nhiên, đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, kịp thời cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2019. Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, đồng chí Bùi Văn Cường đã dành cho Báo Đắk Lắk cuộc phỏng vấn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Bùi Văn Cường. Ảnh: Hoàng Gia |
* Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Đắk Lắk những cảm nhận của mình về vùng đất và con người Đắk Lắk sau một thời gian ngắn về nhận nhiệm vụ tại địa phương?
Đắk Lắk là một vùng đất rất đặc biệt nằm ở trung tâm của “nóc nhà Đông Dương”, xứ sở của cao nguyên đại ngàn đầy nắng và gió, đất đỏ bazan màu mỡ, bạt ngàn cà phê, cao su và nhiều cây ăn trái nổi tiếng như: bơ, sầu riêng… Đắk Lắk có truyền thống lịch sử hào hùng, nơi khởi đầu của Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đắk Lắk giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và cũng rất đa dạng, phong phú về văn hóa dân gian, phong tục tập quán với cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Con người Đắk Lắk bản lĩnh, khí phách, thông minh, cần cù sáng tạo. Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn với những thác nước hùng vĩ, kỳ bí, thu hút nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu khoa học đến khám phá, tìm hiểu. Đặc biệt, khu vực bản Đôn của tỉnh là địa danh đã được đưa vào bản đồ và cẩm nang du lịch thế giới về truyền thống nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.
Sự nồng hậu, thân thiện, mến khách của con người nơi đây cũng tạo cho tôi ấn tượng rất mạnh mẽ, làm tôi càng thêm quyết tâm gắn bó và làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và toàn thể Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà giao phó.
* Trên cương vị công tác mới của mình, mối quan tâm lớn nhất của đồng chí đối với Đắk Lắk là gì?
Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, mối quan tâm lớn nhất của tôi là cùng với tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tập trung xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân với suy nghĩ phải làm sao cho “dân giàu, tỉnh mạnh”; khơi dậy, phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục hạn chế, tồn tại. Tỉnh Đắk Lắk phải phát triển đi lên với các trọng tâm:
Đồng chí Bùi Văn Cường đến thăm cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Đắk Lắk tại Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật Công an nhân dân lần thứ 5-2019. Ảnh: Duy Tiến |
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, nhất là về giao thông. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ; chú trọng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, an ninh trật tự. Làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong dân, nhất là về lĩnh vực đất đai, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Bảo đảm an ninh an toàn cho người dân. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là chăm lo công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
* Đồng chí đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội? Theo đồng chí, để khai thác được tiềm năng, tận dụng lợi thế, chúng ta cần phải có những quyết sách gì?
Tỉnh Đắk Lắk có vị trí quan trọng nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, với những nét đặc trưng riêng và nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội như: diện tích lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với đặc điểm tự nhiên phong phú, đa dạng, tươi đẹp và giàu bản sắc Tây Nguyên, giao thoa với đặc trưng của các dân tộc anh em cùng sinh sống tạo ra nét độc đáo riêng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ; phát triển năng lượng tái tạo. Với vị trí trung tâm vùng và là đầu mối tập trung hàng hóa, kết hợp với hệ thống giao thông được tập trung xây dựng như tôi đã nói ở trên, tỉnh ta hoàn toàn có thể thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực logistic.
Để khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế nhằm đưa Đắk Lắk phát triển toàn diện, bền vững, theo tôi cần tập trung vào những quyết sách quan trọng sau đây:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, du lịch. Cùng với đó là hoàn thiện về thể chế, cụ thể hóa các quy định của pháp luật với địa phương; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Nghiên cứu sửa đổi, xử lý quy trình, thủ tục để giải quyết nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh. Làm tốt công tác quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển sản xuất, tạo động lực và “điểm trũng” trong hoạt động thu hút đầu tư.
Xây dựng hạ tầng giao thông, thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối. Chú trọng thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; đường sắt Đắk Lắk - Phú Yên; nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột, mở các chuyến bay kết nối các vùng và quốc tế. Thu hút, tập trung và liên kết các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao.
Đồng chí Bùi Văn Cường đến thăm mô hình công nghệ tưới nước tiết kiệm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cư M’gar). Ảnh: Lê Thành |
Định hướng các ngành nghề, lĩnh vực cần nhân lực trong những năm tới để có cơ chế, chính sách đào tạo. Tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực như: môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, nhất là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài.
Cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện tuyển dụng, thi tuyển theo nguyên tắc “chọn người tài, không chọn người nhà”, lấy công việc và hiệu quả công việc làm tiêu chí thước đo, đánh giá, bố trí cán bộ. Củng cố, kiện toàn, tinh gọn, sắp xếp hợp lý các cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra là xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên. Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả thực hiện mục tiêu này? Chúng ta cần phải có những giải pháp đột phá nào để đưa Đắk Lắk thực sự trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên, thưa đồng chí?
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh ta đã có bước phát triển đáng mừng. Bộ mặt nông thôn, thành thị có nhiều đổi mới, đường sá, nhà cửa, nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh; quy mô, chất lượng tiếp tục được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; ngành nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị gia tăng từng bước được nâng lên. Thu ngân sách có bước phát triển vượt bậc, tăng bình quân 18%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, với 61 xã đạt 19 chỉ tiêu và TP. Buôn Ma Thuột đã về đích nông thôn mới.
Văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo. Các chế độ, chính sách giảm nghèo, công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng; phạm vi, đối tượng chính sách được mở rộng. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm là 2,5-3%, được đánh giá tốt nhất trong khu vực Tây Nguyên và có thứ hạng cao trong cả nước. Quốc phòng an ninh được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo ổn định.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện; nâng cao sức
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số nội dung còn chưa hoàn thành, chưa đảm bảo mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên. Có thể kể đến như: Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; tính kết nối vùng, năng suất lao động chưa cao. Phát triển kinh tế chưa thật sự bền vững; chưa thu hút được các dự án có quy mô lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án công nghệ cao. Công tác quản lý quy hoạch và đất đai còn bất cập; chất lượng quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu. TP. Buôn Ma Thuột chưa có đầu mối kết nối trực tiếp với các cảng biển; chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong vùng, trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối buôn bán, hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Kết cấu hạ tầng toàn tỉnh còn thiếu đồng bộ; hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh khác ngoài vùng chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, khai thác chưa hiệu quả. Dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú, chưa có nhiều điểm đến cho du khách. Tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; một số vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết dứt điểm.
Đây là những vấn đề đặt ra để toàn hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm để tìm ra phương án, nỗ lực hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã tích cực nghiên cứu, tham vấn các bộ, ban, ngành Trung ương để tìm ra phương án, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn trong thời gian đến, nhất là trong năm 2020 - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm đột phá sau đây để đưa tỉnh ta phát triển trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên:
Thứ nhất: Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó chú trọng công tác quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên xanh, sạch, sinh thái, hiện đại và bản sắc, gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo đảm phát triển đúng quy hoạch.
Thứ hai: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên, tranh thủ nguồn lực của Chính phủ cùng với thu hút kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Các dự phát triển năng lượng tái tạo; Khu công nghiệp Phú Xuân, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu chăn nuôi tập trung, Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Ea Nhái (huyện Krông Pắc); Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf hồ Ea Kao... Quan tâm phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể; có chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba: Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin. Trong năm 2020 phấn đấu hoàn thành các dự án nâng cấp các tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Trung ương bổ sung quy hoạch và triển khai công tác chuẩn bị xây dựng tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế, đề xuất mở các đường bay mới… để tăng tính kết nối, tháo các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông.
Thứ tư: Xây dựng, triển khai Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh; Đề án cán bộ dân tộc thiểu số; Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo chức danh; Đề án phát triển đảng viên trong công nhân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình hành động số 26 và 27-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII gắn với Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, nghiên cứu, đăng ký thí điểm tổ chức sáp nhập một số cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện. Triển khai thực hiện Đề án sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được Trung ương phê duyệt.
Thứ năm: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Quốc hội thông qua. Triển khai cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Rà soát, tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ xóa bỏ nhà tạm, dột nát cho gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng.
Thứ sáu: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, phấn đấu nằm trong top 20 của cả nước.
Thứ bảy: Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, các vụ tranh chấp đất đai, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật. Xây dựng phương án, bảo đảm an toàn tuyệt đối trước, trong và sau đại hội đảng các cấp.
Thứ tám: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tiếp tục rà soát, tự kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý những sai sót, vi phạm về công tác cán bộ theo tinh thần Kết luận số 48-LK/TW, ngày 26-4-2019 của Ban Bí thư. Thực hiện quy trình công tác cán bộ, bảo đảm đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp; gắn với tăng cường trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy.l
* Trong những cuộc làm việc với các đơn vị, địa phương, đồng chí thường lưu ý đến “tư duy đột phá”. Xin đồng chí chia sẻ quan điểm của mình về thông điệp này?
Trước hết, với tư cách là cán bộ điều động, biệt phái về nhận nhiệm vụ tại tỉnh, tôi luôn tâm niệm bản thân sẽ phát huy hết khả năng để đưa Đắk Lắk ngày một phát triển.
Như các đồng chí đã biết, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh việc cần phải triển khai thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Trong đó, tôi cho rằng yếu tố con người là yếu tố quyết định, vừa là tiềm năng vừa là động lực lớn nhất để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, để bắt kịp với xu thế phát triển, phát huy những tiềm năng và lợi thế sẵn có, theo tôi, chúng ta cần phải có sự thay đổi căn cơ từ suy nghĩ đến hành động. Cần phải có “tư duy đột phá” trong công tác chỉ đạo điều hành và thực thi công vụ. Đột phá là không theo lối mòn, cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xác định trọng tâm công tác để đầu tư thời gian, công sức vào đó. Xác định tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy; chọn công trình, dự án có tính lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển để tập trung làm trước. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thì cần ưu tiên, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, không đầu tư dàn trải để nhanh phát huy hiệu quả của dự án. Đó chính là ý nghĩa của “tư duy đột phá” mà tôi muốn nhấn mạnh với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp trong tỉnh nói riêng và với cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh nói chung.
*Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Việt Cường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc