Multimedia Đọc Báo in

Thành ủy Buôn Ma Thuột: Triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

09:19, 12/02/2020

Là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, góp phần giáo dục và khơi dậy lòng tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 127 văn bản chỉ đạo công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử đảng bộ cơ sở; tổ chức hội nghị, hội thảo lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ các đồng chí lão thành cách mạng, người có uy tín; tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở về công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

Đến nay, 21 phường, xã đều đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ, trong đó có 14 phường, xã đã xuất bản và phát hành, 4 đơn vị đã xuất bản xong và dự kiến công bố trong tháng 2-2020, 2 đơn vị đã hoàn thành thủ tục xuất bản và đang trong quá trình in ấn; 1 đơn vị đang hoàn thiện để thông qua tổ thẩm định.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn An Vinh tham quan Triển lãm lịch sử đảng bộ các xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn An Vinh tham quan Triển lãm lịch sử đảng bộ các xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột Ngô Trọng Yêm, lịch sử đảng bộ 21 phường, xã là công trình nghiên cứu, biên soạn công phu, có sự tiếp thu, ghi nhận hàng nghìn ý kiến góp ý, bổ sung, chỉnh sửa qua 100 hội thảo được Ban Chỉ đạo thành phố và 21 phường, xã tổ chức. Hầu hết lịch sử đảng bộ các phường, xã đều được biên soạn trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2015 (40 năm).

Riêng đối với xã Hòa Thuận, do quá trình hình thành gắn liền với lịch sử khu căn cứ cách mạng nên lịch sử đảng bộ xã được biên soạn trong giai đoạn từ 1957- 2015 (58 năm). Còn các phường mới được chia tách, thành lập từ năm 1995 như: Tân An, Tân Lợi và Thành Nhất đã thực hiện biên soạn lịch sử đảng bộ trong giai đoạn 1995-2015 (20 năm). Đối với 3 xã Hòa Xuân, Hòa Phú và Hòa Khánh, trong lịch sử có thời gian không trực thuộc Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột mà thuộc huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) cũng đã được Ban Biên tập dày công sưu tập tư liệu để đảm bảo tính trung thực và chất lượng.

Triển lãm lịch sử đảng bộ các xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Thành ủy Buôn Ma Thuột tổ chức đã thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
Triển lãm lịch sử đảng bộ các xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Thành ủy Buôn Ma Thuột tổ chức đã thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
 
“Việc hoàn thành nghiên cứu và biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương ở TP. Buôn Ma Thuột góp phần giúp người dân có cái nhìn tổng thể và sâu sắc về chặng đường hình thành và phát triển của Đảng bộ thành phố, cũng như những bước chuyển biến trong đời sống của người dân từ những năm tháng chiến tranh gian khổ đến thời kỳ xây dựng, phát triển như ngày nay”.
 
 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Ngô Trọng Yêm

Đồng chí Ngô Trọng Yêm cho biết thêm: Để bảo đảm chất lượng công tác biên soạn, Ban Chỉ đạo, tổ biên soạn lịch sử các phường, xã đã tranh thủ sự tham gia biên soạn của đội ngũ trí thức, nhất là các đồng chí có thâm niên công tác tại địa phương, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó và tâm huyết với công tác lịch sử Đảng.

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo cũng đã được tổ chức để xin ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo cũng như các đảng viên và quần chúng nhân dân. Chính sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác biên soạn lịch sử của Thành ủy cùng với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy các xã, phường mà nhiều đảng bộ địa phương xuất bản bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, trong đó một số đơn vị hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra như: Đảng ủy phường Tân Tiến, Đảng ủy xã Ea Tu, Đảng ủy xã Hòa Phú...

Trước những yêu cầu cấp thiết của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới và từ thực tế công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, khai thác hiệu quả những địa danh, di tích lịch sử trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, nghiên cứu chọn lọc, đưa một số nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa trong các trường học, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.