Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng chính quyền điện tử ở huyện Ea H'leo:

Khắc phục những rào cản về nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin

09:07, 26/03/2020

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước được huyện Ea H’leo chú trọng, qua đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan, tiết kiệm thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân.

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, huyện Ea H’leo đã quan tâm đầu tư cơ bản về hạ tầng CNTT. Cụ thể, 100% các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn đã được kết nối mạng LAN, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan. Hệ thống giao ban trực tuyến mỗi năm phục vụ khoảng 30 cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh và các sở, ngành, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hội họp. 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước được cung cấp đầy đủ trên cổng điện tử của từng cơ quan, đơn vị trực tuyến ở mức độ 2, 3 và 4 để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Cùng với đó, hệ thống thư điện tử công vụ đã được triển khai đồng bộ đến tất cả các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn. Hiện đã cung cấp 580 tài khoản thư điện tử công vụ cho tổ chức, cá nhân từ cấp huyện tới cấp xã, thị trấn, mỗi địa chỉ có dung lượng 50 MB, trong đó 95% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi, xử lý công việc.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Ea H'leo.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Ea H'leo.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iDesk) đã được triển khai thống nhất tại các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn và tất cả cán bộ, công chức. Địa phương cũng đã thực hiện liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị với nhau và giữa các cơ quan, đơn vị với UBND huyện, giữa UBND huyện với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên môi trường mạng.

Nhờ đó, 85% văn bản đi và đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trong nội bộ các cơ quan chuyên môn, 60% văn bản được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng giữa UBND huyện với cơ quan bên ngoài. Ngoài ra, Hệ thống một cửa điện tử liên thông tích hợp dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 379 bộ thủ tục hành chính, với 274 bộ thủ tục hành chính cấp huyện, 105 bộ thủ tục hành chính cấp xã, thị trấn để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, trong đó có 285 bộ thủ tục được cung cấp mức độ 2, 90 bộ thủ tục mức độ 3 và 22 bộ thủ tục mức độ 4.

Bên cạnh đó, nhiều phòng, ban thực hiện quản lý và giải quyết công việc bằng phần mềm chuyên dụng như: Phần mềm đo đạc bản đồ trích lục đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; quản lý ngân sách tại Phòng Tài chính – Kế hoạch; Quản lý cán bộ, giáo dục, học sinh, thư viện và phổ cập giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo...

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của huyện Ea H’leo vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bất cập lớn là nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực này còn ít, tỷ lệ qua đào tạo chuyên sâu chưa cao, thiếu cán bộ chuyên trách quản lý thông tin trong các cơ quan, huyện chỉ có 2 công chức có chuyên môn về CNTT. Chưa kể các phần mềm ứng dụng phục vụ trong những hoạt động hoạch định chính sách, ra các quyết định quản lý, điều hành và phục vụ nhiệm vụ chuyên môn đầu tư chưa đồng bộ. Riêng tại UBND các xã, thị trấn, việc khai thác và ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý Nhà nước còn yếu.

Người dân đến giao dịch hành chính tại bộ phận Một cửa của huyện Ea H'leo.
Người dân đến giao dịch hành chính tại bộ phận Một cửa của huyện Ea H'leo.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử huyện Ea H’leo, nhằm xây dựng chính quyền điện tử hiện đại gắn với cải cách hành chính, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT và đào tạo, bồi dưỡng cho các công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, huyện sẽ triển khai chữ ký số, chứng thư số về văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước cho UBND các xã, thị trấn và công chức kế toán các cơ quan, đơn vị; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản và xử lý công việc, bảo đảm xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng để hướng tới mục tiêu “không giấy tờ”.

Nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, địa phương sẽ sử dụng hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và ứng dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông từ huyện đến xã, thị trấn; triển khai thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt và kết nối hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông với Zalo trên phạm vi toàn huyện.

Huyện Ea H’leo khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích để tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, huyện khuyến cáo người dân, doanh nghiệp giao dịch trực tuyến nhằm tránh tiếp xúc đông người.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.