Multimedia Đọc Báo in

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội đảng

09:12, 23/04/2020

Đại hội chi bộ, đảng bộ là nơi tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên để tranh luận, thảo luận về các quan điểm, chủ trương lớn, mới của tổ chức đảng; kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện mọi mặt hoạt động của đảng bộ, chi bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa, cho nên toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm đại hội thành công tốt đẹp. Đại hội Đảng là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rộng khắp cho toàn Đảng, cho nên tất cả đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”.

Về mục đích thảo luận các văn kiện trong đại hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại hội đảng là dịp để đảng viên rèn luyện chính trị, tức là rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, khả năng hoạch định đường lối chính trị của Đảng, khi thảo luận phải tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trung tâm và cấp bách của địa phương, đơn vị mình; đồng thời, phải có tinh thần quyết tâm cao, thảo luận cho kỳ được. Theo đó, đại hội đảng “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình, phải gom hết ý kiến của đảng viên để Trung ương chuẩn bị đại hội đảng cho thật tốt”.

    Đảng viên  Chi bộ  tổ dân phố 1, phường  Tân Lập,  TP. Buôn Ma Thuột  đóng góp ý kiến trong nội dung thảo luận  tại đại hội.      Ảnh:  Nguyễn Xuân
Đảng viên Chi bộ tổ dân phố 1, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột đóng góp ý kiến trong nội dung thảo luận tại đại hội. Ảnh:  Nguyễn Xuân  

Về nội dung thảo luận, Bác nói: “Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít”. Cùng với đó, trong đại hội, người điều hành thảo luận cần nêu những vấn đề cần tập trung thảo luận, cần thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, gợi ý những điểm cần đi sâu phân tích, kết luận. Qua thảo luận, từng vấn đề được biểu quyết, những vấn đề chưa kết luận cần được ghi lại để báo cáo cấp trên, hoặc trong hội nghị, nếu có đại biểu cấp trên tham dự cần tranh thủ ý kiến của đồng chí đó.

Bên cạnh đó, Bác dặn: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với đại hội đảng”. Người yêu cầu mỗi đảng viên phải nghiên cứu kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng để thấy những điểm hợp lý và chưa hợp lý của của dự thảo; một mặt, phải liên hệ chặt chẽ việc thực hiện Điều lệ Đảng ở chi bộ, đảng bộ mình. Mặt khác, phải nêu cao tinh thần tự phê bình, chủ động khắc phục những khuyết điểm gắn với tích cực trau dồi phẩm chất và đạo đức cách mạng của người đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh.

Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội đảng là những nguyên tắc cơ bản và nền nếp trong xây dựng Đảng, hướng đến việc “Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên; đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra”. Do vậy, trong tranh luận, thảo luận, có những ý kiến khác nhau hoặc hoàn toàn không khớp nhau cũng là điều đương nhiên. Ngược lại, sự nhất trí quá dễ dàng, không cần đến tranh luận, thảo luận không phải lúc nào cũng chứng tỏ sự thống nhất cao. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc thảo luận, tranh luận là một trong những hình thức sinh hoạt đảng, phát huy trí tuệ, tiếp cận chân lý, để thống nhất nhận thức, hành động trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây còn là việc phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; đồng thời giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Khoản 2, Điều 18 Điều lệ Đảng được Đại hội Đảng lần thứ XII thông qua đã nêu rõ về vấn đề thảo luận trong đại hội đảng: “Đại hội thảo luận văn kiện của cấp ủy cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu cấp ủy; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên”. Như vậy, thảo luận trong đại hội là những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của Đảng (thông qua Điều lệ Đảng) và những định hướng mang tính chiến lược trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.