Multimedia Đọc Báo in

Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

08:40, 12/05/2020

Từ tuổi niên thiếu, với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, Nguyễn Sinh Cung đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho riêng mình.

Đó không phải con đường cứu nước theo chủ nghĩa trung quân ái quốc của hệ tư tưởng phong kiến, cũng không phải con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản của các nhà yêu nước đương thời mà chính bởi “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ Tự do - Bình đẳng - Bác ái của nước Pháp. Người đã sớm nhận thức được “cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng”.

Những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, dấu chân Người từng in trên 3 đại dương, 4 châu lục và khoảng 30 quốc gia trong 10 năm (1911 - 1920). Quá trình thâm nhập thực tiễn rộng lớn đó đã giúp người thanh niên yêu nước nhận thức rõ hơn, khái quát hơn những vấn đề mang tính chất bước ngoặt quan trọng. Để từ đó, Người tìm thấy và lựa chọn con đường cách mạng vô sản: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo Luận cương của Lênin, theo Cách mạng Tháng Mười Nga là con đường cho cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920.  Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu

Bước ngoặt đầu tiên là nhận ra diện mạo, bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Khi đặt chân đến nước Pháp - quê hương của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, cảm nhận đầu tiên của Người: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế… Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”. Khi đến Mỹ, Nguyễn Tất Thành lại thấy: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp”. Người còn đến nhiều nước, tiếp xúc với những người dân lao khổ và chứng kiến sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân. Từ đó, Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”.

Bước ngoặt thứ hai là nhận ra bản chất của các cuộc cách mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa. Bôn ba tới nhiều nước, Nguyễn Tất Thành chú ý trước hết đến cuộc cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (1776), nhưng Người thấy rằng: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”. Người nghiên cứu cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất thời cận đại, đó là đại cách mạng tư sản Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1789). Nhưng Người nhận thấy, trong xã hội Pháp sau cách mạng, dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Người nhận ra rằng, về thực chất, bản chất của các cuộc cách mạng tư sản không hề có ý định tiêu diệt chế độ bóc lột, mà chính là sự thay thế về phương thức bóc lột, từ phương thức bóc lột phong kiến sang phương thứ bóc lột tư bản. Từ đó, Người rút ra kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Cách mệnh không đến nơi, không triệt để, tiếng nói là cộng hòa là dân chủ. Kỳ thực bên trong thì nó bóc lột công nông trong nước, ở ngoài thì áp bức thuộc địa”.

Bước ngoặt thứ ba là tiếp cận Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin, quyết định con đường cho cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng “chưa từng có” trong thế kỷ 20, đó là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu, là cột mốc đánh dấu thời kỳ cách mạng mới vì những mục tiêu thời đại trên phạm vi toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Với sự nhạy bén và khát vọng cháy bỏng của một người đang tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nắm bắt được giá trị đầu tiên và căn bản của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là sự giải phóng. Từ đây, Nguyễn Tất Thành bắt đầu nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười và tìm đọc các quyển sách của V.I.Lênin, ấp ủ giấc mơ được gặp V.I.Lênin - người lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Cuộc gặp lịch sử giữa V.I.Lênin với Nguyễn Ái Quốc ở “Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (7-1920) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình 10 năm bôn ba của Nguyễn Ái Quốc. Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào, là ngọn đèn soi đường giải phóng cho nhân dân các nước ở Đông Dương đang rên xiết dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân. Có thể nói, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc thuộc địa. Đó là lôgic tất yếu của một quá trình khảo nghiệm, nhận thức từ lịch sử dân tộc đến lịch sử thế giới, từ các ngả đường cứu nước của các thế hệ trước đến các cuộc cách mạng tư sản, vô sản thế giới; từ các chủ nghĩa, học thuyết của các cuộc cách mạng, các tổ chức quốc tế đến Luận cương của Lênin.

Chính thời khắc đó xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ người yêu nước trở thành người cộng sản, lựa chọn ra con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của lịch sử nước ta, đưa cách mạng nước ta đến thành công. Đó còn là quá trình tìm đường, nhận đường, lựa chọn con đường của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đại diện tiêu biểu nhất.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.