Xúc động chương trình nghệ thuật"Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"
Những ca khúc hay về Bác Hồ được các nghệ sĩ thể hiện trong chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020) diễn ra vừa qua đã mang tới cho công chúng những giây phút xúc động, ý nghĩa.
Chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham gia của Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh, Lữ đoàn Đặc công 198 do NSND Y San Aliô (Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh) làm tổng đạo diễn. Những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công... cùng với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật ca - múa - nhạc, sân khấu truyền thống, trình chiếu phim tư liệu, phóng sự đã khắc họa lại câu chuyện đầy xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ca khúc nổi tiếng về Bác Hồ, những giai điệu đã ăn sâu trong tâm trí của các thế hệ người dân Việt Nam khiến người nghe không khỏi bồi hồi như tiết mục: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Người về thăm quê, Người là niềm tin tất thắng…
Các tiết mục này đã góp phần chuyển tải ý nghĩa sâu sắc về tấm gương của Người, lãnh tụ thiên tài, trọn đời hy sinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Tiết mục hát múa "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người". |
Đêm nhạc còn góp phần khắc họa sâu đậm tình cảm vô cùng thiêng liêng, thành kính, biết ơn của cả dân tộc, nhất là người Tây Nguyên đối với vị lãnh tụ vĩ đại. Sinh thời, Bác luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt, Người dạy: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Và tình cảm của đồng bào đối với Bác cũng thật sâu sắc: “Người Êđê chưa gặp mặt Bác Hồ/ Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ…”. Qua những tiết mục: Tây Nguyên nhớ Bác Hồ, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên… đã phần nào nói lên được tấm lòng của người Tây Nguyên đối với Bác. Dù Bác chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng công ơn của Người được mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người dân nơi đây.
Nhớ lời căn dặn của Người, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đùm bọc cùng chung tay bảo vệ, xây dựng buôn làng, quê hương, đất nước ngày thêm no ấm, đẹp giàu, thể hiện qua những tiết mục: Bay lên những cánh chim, Buôn Ma Thuột ngày trở về…
Tiết mục múa "Đất và nước". |
Xen kẽ trong chương trình ca - múa - nhạc là những câu chuyện kể về Bác được thể hiện một cách nhẹ nhàng nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, tất cả nhằm khắc họa nổi bật chân dung, hình ảnh gần gũi, thân thương, bình dị của Người, là tấm gương cả cuộc đời hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, tấm gương đạo đức sáng ngời đối với bao thế hệ người Việt Nam.
Để mang đến thành công cho đêm nhạc phải kể đến phần trình diễn tâm huyết của các nghệ sĩ, diễn viên. Biên đạo múa H’Diễm Mlô tâm sự: “Tôi rất vinh dự khi được tham gia chương trình đặc biệt ý nghĩa này. Cảm giác bồi hồi, xúc động, khó có thể tả được…”. Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh cho biết thêm, với tấm lòng kính trọng, yêu thương đối với Bác, tất cả các nghệ sĩ, diễn viên, êkip tham gia chương trình đã cố gắng tập luyện, dàn dựng để mang đến những tiết mục chất lượng nhất.
Đêm diễn khép lại với thật nhiều cảm xúc cho cả những người tham gia và khán giả. Điều này đến từ chương trình nghệ thuật chất lượng, từ giai điệu lời ca sâu lắng và hơn thế là từ hình ảnh bình dị mà vĩ đại của Bác đã đem lại xúc cảm và sự thăng hoa cho tất cả mọi người.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc