Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả (kỳ 1)

09:35, 20/08/2020
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để lại cho Tổ quốc, cho Đảng và nhân dân ta là vô cùng to lớn, quý giá. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cấp ủy các cấp đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị bằng những phương pháp mới, cách làm hay, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống... 
 
Kỳ 1: Xây dựng đội ngũ cán bộ - nhân tố then chốt, quyết định sự phát triển
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người coi cán bộ là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
 
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. 
 
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc
 
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định về công tác cán bộ, phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện tương đối đồng bộ quy trình về công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp không ngừng được nâng cao.
 
Để lựa chọn, giới thiệu nhân sự bảo đảm bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới quy trình công tác tổ chức cán bộ. Có thể thấy rõ chủ trương này trong việc thí điểm tuyển chọn bí thư cấp ủy được triển khai vào đầu năm 2020 ở hai huyện Lắk và Buôn Đôn. Và mới đây nhất là việc thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Công thương. Có thể khẳng định đây là chủ trương vô cùng đúng đắn, nhằm chọn ra người có đủ phẩm chất, uy tín, trình độ, triển vọng, khát khao cống hiến và năng lực thật sự để phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà; chống chạy chức, chạy quyền... 
 
Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Theo đồng chí Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác tổ chức cán bộ là công việc khó, rất nhiều khâu, nhiều bước. Cho nên trong mỗi sự đổi mới, đột phá, tỉnh luôn bám sát vào quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, người cán bộ làm công tác tổ chức phải có “tâm” và “tầm” trong việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương và công cuộc đổi mới đất nước.
 
Gắn kết giữa đào tạo và sử dụng cán bộ
 
Thấm nhuần những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của địa phương, đơn vị cũng như tạo điều kiện và hỗ trợ về kinh phí đối với các cán bộ được cử đi học kịp thời. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị từ tỉnh đến huyện luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm nhu cầu dạy và học.
 
“Đắk Lắk đang rất cần cán bộ giỏi ở các ngành, các địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ với mục tiêu “tìm người tài, không tìm người nhà” – Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường.

Giai đoạn 2015 - 2020, chỉ tính riêng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh là 131 lớp, trong đó Cao cấp Lý luận chính trị  12  lớp, với 1.080 học viên; Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính 53 lớp với 4.572  học viên; trong đó, học viên người dân tộc thiểu số là 698 người (chiếm 19,2%). Ngoài ra, Trường Chính trị tỉnh cũng đã mở 63 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước với 6.303 học viên.

Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu, phát huy tốt năng lực trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. 
 
Học viên  lớp Trung cấp  lý luận  Chính trị - Hành chính K29 trong giờ nghiên cứu thảo luận.
Học viên lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính K29 trong giờ nghiên cứu thảo luận.
Tuy nhiên để đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác tổ chức, xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, Tiến sĩ Đỗ Văn Dương cho rằng: Cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sớm chủ động tạo nguồn bổ sung cán bộ cho các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ; đổi mới, tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi khuyến khích người tài; nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện cán bộ, ngoài tài năng, phải luôn luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng...
 
(Còn nữa)
 
Lê Hương – Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc