Một vài góp ý về phương châm, dự báo tình hình và mục tiêu tổng quát
09:55, 08/08/2020
Báo cáo chính trị đại hội đảng các cấp không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thời gian tới, mà còn thể hiện sự kết tinh trí tuệ, tầm nhìn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, là cơ sở để xây dựng đường lối, công tác cán bộ của cấp ủy đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thể hiện khá đầy đủ tinh thần đó.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, để có góc nhìn toàn diện và đầy đủ hơn, xin được góp ý, trao đổi một số nội dung sau:
Thứ nhất, về phương châm tiến hành Đại hội:
Phương châm tiến hành Đại hội là “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển” về cơ bản phù hợp với phương châm trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”. Phương châm đã thể hiện những nội dung cơ bản, cần có để đảm bảo sự ổn định, phát triển trong nhiệm kỳ tới cũng như những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, là một tỉnh còn nhiều khó khăn, cũng như để xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, trong thời gian tới cần có sự đột phá để phát triển.
Hơn nữa, ngay trong định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm trong Dự thảo Báo cáo chính trị có nêu ra 4 đột phá trong nhiệm kỳ tới. Mặt khác, thời gian qua, Đắk Lắk cũng đã có một số đột phá trong cách làm, nhất là về công tác cán bộ. Vì thế, phương châm tiến hành Đại hội nên chăng là “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Đột phá – Phát triển”. Đổi mới là tất yếu của đất nước và của mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương từ Đại hội VI của Đảng tới nay, song nếu chỉ đổi mới không chưa đủ, mà trong đổi mới phải có sự đột phá, và sự đột phá không thể có nếu không có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức và cách làm. Do vậy, đột phá là cần thiết của phương châm tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Thứ hai, về nguyên nhân ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm:
Cần thiết có sự bổ sung, hệ thống hóa các nguyên nhân khách quan và chủ quan của ưu điểm trên 4 lĩnh vực kinh tế; giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa – xã hội; quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể để đảm bảo tính chặt chẽ, logic giữa ưu điểm và nguyên nhân; cũng là cơ sở để đề ra những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ tới.
Trong những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm cần thiết phải chỉ ra nguyên nhân nào là chủ yếu, để từ đó có hướng và biện pháp cụ thể để khắc phục.
Thành phố Buôn Ma Thuột với định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia |
Thứ ba, về dự báo tình hình:
Tình hình thế giới và trong nước đã được Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra. Chính vì vậy, trên cơ sở đó cần nhấn mạnh hơn dự báo tình hình khu vực miền Trung, Tây Nguyên và trong tỉnh để thấy được đặc điểm, đặc thù. Hơn nữa, đây chính là những yếu tố tác động trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh.
Thứ tư, về mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045:
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị có đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể đến năm 2025 là “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng là vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”; đến năm 2030 “… trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên, theo hướng xanh, sạch, hiện đại, bản sắc…” và đến năm 2045 là “… thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên, sinh thái, thông minh, bản sắc…”.
Tuy nhiên, hiện nay Đắk Lắk vẫn là tỉnh chưa cân đối được ngân sách, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách từ Trung ương. Do vậy, cần thiết phải bổ sung nội dung đảm bảo tự chủ ngân sách vào mục tiêu tổng quát đến năm 2025 hay đến năm 2030. Đây là một mục tiêu quan trọng vì khó có thể là thủ phủ và trung tâm vùng Tây Nguyên mà ngân sách lại không thể cân đối.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, phần mục tiêu phát triển đưa ra hai phương án đến năm 2045, trong đó phương án 1: “Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, phương án 2: “Đến năm 2045: trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đưa ra tầm nhìn đến 2045 là “Xây dựng Đắk Lắk thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên, sinh thái, thông minh, bản sắc; là trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, công nghiệp phần mềm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố đáng sống trong khu vực; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân, đạt mức khá của cả nước”.
Đây là lần đầu tiên trong một dự thảo báo cáo chính trị của Đắk Lắk thời kỳ đổi mới đưa ra tầm nhìn xa như vậy. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở khoa học và thực tiễn của một số nội dung trong tầm nhìn chưa thể hiện rõ trong dự thảo, nhất là dự báo tình hình. Do đó, cần khái quát hơn mục tiêu trong tầm nhìn đến năm 2045 để vừa đảm bảo định hướng mục tiêu chung của Đảng, vừa tránh được sự chủ quan.
TS. Lương Hữu Nam
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc