Multimedia Đọc Báo in

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Đồng chí Bùi Văn Cường tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy

18:39, 15/10/2020
Sau ba ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc, đoàn kết, dân chủ, chiều 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
 
Tham dự phiên bế mạc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh.
 
Tại phiên bế mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã báo cáo kết quả phiên họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII lần thứ nhất. Theo đó, Ban Chấp hành đã bầu 15 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII; đồng chí Bùi Văn Cường tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Phạm Minh Tấn, Y Biêr Niê, Phạm Ngọc Nghị. Ban Chấp hành đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí; đồng chí Lê Văn Nghĩa làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
 
Bỏ phiếu bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu bỏ phiếu bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Hoàng Gia
 
Đại hội cũng đã tiến hành bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 20 đồng chí chính thức, 3 đồng chí dự khuyết; biểu quyết về các chỉ tiêu chủ yếu, khâu đột phá, đề án, chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thông qua Nghị quyết Đại hội với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025.
 
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Hoàng Gia
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Hoàng Gia
 
Phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – giá so sánh năm 2010) đạt trên 300.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm bình quân 1,5-2%/năm. Đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.500 tỷ đồng; có trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng 100/152 xã) và có ít nhất 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) đạt từ 40-42%…
 
Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. 
 
Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Hoàng Gia
Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Hoàng Gia
 
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cũng đề nghị từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thật sự gương mẫu, nêu gương, tiên phong đi đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tích cực nắm bắt thời cơ, vận hội mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện thắng lợi 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; 6 nhiệm vụ trọng tâm; 3 khâu đột phá; tạo chuyển biến thực sự rõ nét ngay từ những tháng đầu, quý đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025...
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.