Cuộc cách mạng của những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử với tính chất là thành quả của chủ nghĩa xã hội, là biểu tượng sáng ngời của thời đại.
Với cuộc cách mạng này, lần đầu tiên những mong ước về xã hội công bằng và bình đẳng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức “đã trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu người tiến bộ vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Vào nửa sau thế kỷ XIX, nước Nga chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa với trình độ tập trung rất cao của các tổ chức độc quyền. Nhưng nước Nga vẫn thuộc loại nước tư bản chủ nghĩa trung bình, lạc hậu so với các nước Tây Âu. Nguyên nhân chính của sự lạc hậu ấy chính là nước Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế với những tàn tích phong kiến - nông nô còn rất nặng nề. Nước Nga trở thành nơi hội tụ các mâu thuẫn thế giới và đòi hỏi bức thiết phải có cuộc cách mạng xã hội để giải quyết các mâu thuẫn đó.
Đảng Bônsêvích Nga, đội tiên phong của giai cấp công nhân Nga, do V.I.Lênin đứng đầu, đã dốc sức chuẩn bị cả về lý luận cách mạng và tổ chức thực tiễn để tiến hành cuộc cách mạng với mục tiêu là giải phóng các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức. Với Luận cương tháng Tư, Lênin đã vạch ra một đường lối cách mạng và một kế hoạch đấu tranh đúng đắn nhằm tập hợp, tổ chức giai cấp công nhân, nông dân nghèo và các dân tộc bị áp bức vào cuộc đấu tranh giải phóng.
Dưới ánh sáng của Luận cương, Đảng Bônsêvích đã từng bước thành lập được một đội quân chính trị gồm đông đảo công nhân và nông dân đủ sức đánh bại các giai cấp tư sản, địa chủ và cô lập các đảng thỏa hiệp Mensêvích và Xã hội cách mạng, làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Ngay đêm thắng lợi đầu tiên của cách mạng, chính quyền Xô viết vừa ra đời đã công bố hai sắc luật: Sắc luật hòa bình và Sắc luật ruộng đất. Cùng với đó, V.I.Lênin và chính quyền Xô viết đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm giải phóng và cải thiện hoàn cảnh, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của những người lao động, của công nhân và nông dân.
Ngày 2-11-1917, chính quyền Xô viết công bố bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga”, khẳng định những nguyên tắc căn bản của chính quyền Xô viết đối với các dân tộc là: sự bình đẳng, quyền tự chủ và sự phát triển tự do của các dân tộc ở Nga, quyền tự quyết của họ cho đến cả việc tách ra và thành lập một quốc gia độc lập. Ngày 23-11-1917, Nhà nước Xô viết ban hành Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị phong kiến, sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, quyết định tách nhà thờ khỏi nhà nước và trường học.
V.I.Lênin phát biểu trước người dân Petrograd năm 1917. Ảnh: Britannica |
Ngày 14-11-1917, bản “Điều lệ về chế độ kiểm soát của công nhân” được ban hành. Theo đó, các ủy ban, nhà máy, xí nghiệp của công nhân tiến hành các hoạt động trong tất cả các xí nghiệp công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, vận tải nhằm hạn chế các hoạt động chống phá của giai cấp tư sản. Ngày 10-1-1918, tại kỳ họp Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III, Đại hội đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột”. Tuyên ngôn trở thành cơ sở của bản Hiến pháp Xô viết năm 1918 và sự khẳng định: Nước Nga tự tuyên bố là một nước cộng hòa Xô viết đại biểu của công nhân, binh lính và nông dân. Cuối tháng 6-1918, “Sắc luật quốc hữu hóa toàn bộ nền đại công nghiệp” được ban hành và tới tháng 9-1918 hơn 3.000 xí nghiệp công nghiệp đã được quốc hữu hóa. Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực, Cách mạng Tháng Mười Nga thể hiện bản chất đích thực của mình là cuộc cách mạng của những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ.
Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân lao động.
Từ Cách mạng Tháng Mười Nga đến Cách mạng Tháng Tám 1945, từ chủ nghĩa Mác - Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển sáng tạo, hợp quy luật của lịch sử mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong 90 năm qua và nhất là sau 34 năm đổi mới đất nước, là cơ sở cho chúng ta tin tưởng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. |
Với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thì: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ là một ước mơ cao đẹp của loài người... đã trở thành hiện thực trong xã hội”. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định: độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đó chính là chân lý lớn nhất của thời đại, là nhân tố thắng lợi có ý nghĩa quyết định nhất và là bài học thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của đất nước, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những thời điểm phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khủng hoảng, chế độ xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa, vẫn vững vàng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới. Cùng với những biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới và trong nước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, Đảng ta kiên quyết khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc