Hiệu quả từ phong trào thi đua "Dân vận khéo"
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung hướng về cơ sở, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Minh chứng sinh động cho kết quả thực hiện phong trào trong hơn 10 năm qua là ủy ban mặt trận các cấp đã vận động hơn 150 tỷ đồng xây dựng trên 3.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 21.000 căn nhà cho hộ nghèo theo Chương trình 167 của Chính phủ giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đặc biệt, hội phụ nữ các cấp đã ký kết chương trình phối hợp với các ngân hàng để tín chấp ủy thác cho trên 81.000 lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo với tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh, huyện đã triển khai các biện pháp giúp nhân dân buôn kết nghĩa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị đã tập trung triển khai thực hiện “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh quốc phòng nói chung và công tác vận động quần chúng nói riêng. Bên cạnh thực hiện công tác vận động quần chúng định kỳ theo kế hoạch, Mặt trận, các đoàn thể, hệ thống dân vận các cấp, đội công tác phát động quần chúng chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động thành lập hàng trăm đoàn công tác tổ chức vận động quần chúng tại các địa bàn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện, tập trung đông người có liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết chế độ, chính sách... Trong các đợt vận động quần chúng, ngoài hình thức tổ chức vận động tập trung, vận động theo giới của từng đoàn thể, các đoàn vận động quần chúng đã đẩy mạnh giáo dục, vận động đối tượng cá biệt thông qua việc tiếp cận các buôn, hộ gia đình có người tham gia khiếu kiện, gây gổ, đánh nhau để cùng với cốt cán cơ sở, già làng, trưởng buôn giải thích về âm mưu của bọn phản động, hành vi và việc làm sai trái của những người tham gia gây rối, qua đó làm cho nhân dân thấy việc xử lý của các cơ quan chức năng là đúng pháp luật.
Người dân thôn 7, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hơn 10 năm qua đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực để giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Trong các đơn vị lực lượng vũ trang, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước ở nhiều cơ quan đã có chuyển biến trong việc rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, coi trọng, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Cùng với đó, công tác xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến dẫn đầu phong trào ở từng lĩnh vực để bồi dưỡng, nhân rộng. Qua phong trào thi đua, đã có 2.724 mô hình điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có 1.276 điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác dân vận, về hiệu quả của mô hình “Dân vận khéo” chưa thật đầy đủ nên trong quá trình triển khai thực hiện chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân. Mặt khác, một số địa phương, đơn vị mới dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức đăng ký, riêng công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng mô hình, điển hình còn hạn chế, số lượng mô hình điển hình chưa nhiều, chất lượng còn khiêm tốn, tên gọi một số mô hình còn chung chung, chưa rõ nét. Vì vậy, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” nói riêng thực sự phát huy hiệu quả, có tính bền vững và có sức lan tỏa, trong thời gian tới, cần phải có sự quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện cụ thể hơn nữa của cả hệ thống chính trị để “Dân vận khéo” không chỉ là một phong trào thi đua mà là một hoạt động, một việc làm thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội..
Mai Lan Anh
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc