Tọa đàm khoa học Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Ph. Ăng-ghen) – Những cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn
Chiều 6-11, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức Tọa đàm khoa học Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Ph.Ăng-ghen) – Những cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn.
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị tỉnh cùng giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Tây Nguyên.
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, TS Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đã ôn lại tiểu sử cũng như những đóng góp to lớn của Ph.Ăng-ghen - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản. Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 tại tỉnh Rênani (Đức). Sinh thời ông rất khiêm nhường, chỉ tự nhận mình là “một cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”, song những người nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều thấy rõ Ph.Ăng-ghen có nhiều cống hiến to lớn đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, làm cho chủ nghĩa Mác trở nên hoàn chỉnh.
TS Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu đề dẫn |
Ngoài các công trình viết chung với Mác mà tiêu biểu là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848), Ph.Ăng-ghen còn có nhiều tác phẩm kinh điển mang giá trị lâu dài như “Chống Đuy-rinh”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Biện chứng của tự nhiên”… Các tác phẩm trên đã phản ánh tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, chính trị kinh tế học, gia đình và nhà nước…, trong đó có vấn đề bình đẳng và đoàn kết dân tộc là vấn đề có tính nhân loại, tính phổ biến, là một trong những quyền cơ bản của con người, của các dân tộc.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận các nội dung: Đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc trong tư tưởng của Ph.Ăng-ghen và vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Ph.Ăng-ghen xây dựng, phát triển và bảo vệ học thuyết Mác; Vận dụng quan điểm của Ph.Ăng-ghen vào hoạt động của các tổ chức đảng; Đảng viên Đảng Cộng sản và trách nhiệm nêu gương của đảng viên hiện nay; Những cảnh báo của Ph.Ăng-ghen về tác động của tự nhiên đến đời sống của con người và yêu cầu với sự phát triển bền vững hiện nay; Vận dụng sáng tạo tư tưởng Ph.Ăng-ghen trong thời kỳ cách mạng mới; Vận dụng tư tưởng biện chứng của Ph.Ăng-ghen vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
ThS Nguyễn Tuyên Quang, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh) tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm |
Kết luận buổi tọa đàm, TS Đỗ Văn Dương khẳng định, từ những tham luận tại buổi tọa đàm đã phân tích và làm rõ những cống hiến lý luận của Ph.Ăng-ghen đối với sự hình hành và phát triển của Chủ nghĩa Mác là hết sức lớn lao, đã tạo ra bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại bằng việc xây dựng và phát triển thế giới quan triết học mới – chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân. Buổi tọa đàm giúp cho các giảng viên Trường Chính trị tỉnh cũng như Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Tây Nguyên bổ sung và nâng cao kiến thức về lý luận, vận dụng tốt các quan điểm của Ph.Ăng-ghen vào thực tiễn giảng dạy...
Ý kiến bạn đọc