Multimedia Đọc Báo in

Cần có cơ chế bảo vệ người dám đấu tranh phòng, chống tham nhũng

19:33, 09/01/2021

Sáng ngày 9-1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng đảng và các cơ quan khối nội chính tỉnh.

sd
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị.( Ảnh chụp qua màn hình)

Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2020, ngành Nội chính Đảng đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác và đạt được kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng, từng bước hoàn thiện thể chế về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tham gia ý kiến về công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Trong năm, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng và các bộ, ngành, cơ quan chức năng tham mưu với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo, xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc; đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 20 vụ với 115 bị cáo. Ban Nội chính các địa phương tham mưu, đề xuất đưa 408 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế vào diện Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý; đã tham mưu chỉ đạo, xử lý dứt điểm 237 vụ việc, vụ án.

Kết quả đó khẳng định rõ quyết tâm chống tham nhũng “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” của Đảng, Nhà nước.

sd
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị thời gian tới, ngành Nội chính Đảng cần tập trung tham mưu để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; cần có cơ chế, chính sách bảo vệ người dám đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục tham mưu hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động, kịp thời phát hiện các vụ việc tham nhũng, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc.

sd
Đại diện tập thể Ban Nội chính Trung ương nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. (Ảnh chụp qua màn hình)

Ban Nội chính Trung ương phải tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác lãnh đạo, xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế; tăng cường công tác lãnh đạo Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng; có cơ chế thu hút những người có năng lực trình độ, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh, dũng khí, bảo vệ cái đúng, đặc biệt phải thực sự liêm chính, kiên quyết đấu tranh với tiêu cực.

Nhân dịp này, tập thể Ban Nội chính Trung ương và cá nhân đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính Đảng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.