Đoàn kết các dân tộc là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta
Hiện nay, với âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, một số phần tử phản động còn tung tin bịa đặt: “Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”, “Các dân tộc thiểu số đang bị đồng hóa, phân biệt đối xử vì khác biệt văn hóa...” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, chế độ ta.
Đây là luận điệu hoàn toàn bịa đặt, đi ngược với truyền thống, đạo lý dân tộc và bản chất chế độ ta.
Thực tế, Đảng ta luôn khẳng định đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân. Trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19-4-1946, Bác viết: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Sê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt... Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX của Đảng đã nêu rõ: “Thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số… chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số… Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trung ương đã xây dựng và ban hành hàng loạt các chính sách lớn phát triển kinh tế, xã hội miền núi như Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 27-11-1989 về chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế, xã hội miền núi; Quyết định số 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ngày 13-3-1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Nghị định 82/CP, ngày 15-7-2010 của Chính phủ về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trung tâm giáo dục thường xuyên; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Người dân xã Yang Tao (huyện Lắk) tham dự Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc năm 2020. Ảnh: Vân Anh |
Thể chế hóa quan điểm, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành Hiến pháp, các bộ luật thể hiện nội dung về chính sách dân tộc. Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện rõ chính sách đại đoàn kết, quyền bình đẳng của mọi công dân, không phân biệt đối xử với bất kỳ dân tộc nào: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung”. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Điều 42 khẳng định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”; Điều 61 ghi: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện việc hỗ trợ giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt kết quả bước đầu quan trọng; chính sách hỗ trợ cho con em ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm.
Với Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn và phát huy. Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Di sản Nghệ thuật Xòe Thái… của các dân tộc phía Bắc cùng các lễ nghi, lễ hội dân gian như Katê, Ramưwan, nghinh ông ở Nam Trung Bộ… được phục dựng và tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự.
Thực tế đó khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước luôn đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và xác định đây là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, là những minh chứng hùng hồn phản bác lại những luận điệu xuyên tạc về chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam của các thế lực thù địch.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc