Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội khóa I - Quốc hội dân tộc thống nhất

06:27, 06/01/2021

Cách đây 75 năm, vào ngày 6-1-1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Tại Đắk Lắk, ngày bầu cử Quốc hội được tiến hành trong lúc lực lượng của ta đang chiến đấu ác liệt với địch ở mặt trận Ca Đa và trên gần một nửa tỉnh, quân Pháp đã tràn đến. Mặc dù bị thực dân Pháp dùng máy bay ném bom, khủng bố ác liệt nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành. Quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử dưới nhiều hình thức thích hợp: viết phiếu, biểu quyết bằng giơ tay, bỏ phiếu bằng hạt đậu, hạt bắp...

Trong lúc làm nhiệm vụ, có một đội công tác đã hy sinh khi tổ chức bầu cử ở Đắk Mil. Tuy vậy, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp. Có hai đại biểu của tỉnh trúng cử Quốc hội khóa I là đồng chí Y Ngông Niê Kđăm, dân tộc Êđê, y sĩ cán bộ quân y mặt trận Buôn Ma Thuột và đồng chí Y Wang Mlô Duôn Du, dân tộc Êđê, Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện M’Drắk (đại biểu Y Wang sau đó tiếp tục tái cử đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV; đại biểu Y Ngông tiếp tục tái cử tham gia hoạt động Quốc hội liên tiếp đến khóa IX (1997).

Sau Tổng tuyển cử, nhân dân đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử.  Ảnh tư liệu 
Sau Tổng tuyển cử, nhân dân đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Ảnh tư liệu

Kể từ ngày 6-1-1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến ngày 15-4-1960, ngày bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã trải qua 14 năm hoạt động đầy cam go, thử thách và đã giành được những thắng lợi to lớn. Sau khi ra đời, Quốc hội đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến kiến quốc, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa đất nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ (1946 - 1954), Quốc hội luôn bên cạnh Chính phủ, đi sát nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và lâu dài, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng, với phương châm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ 20, một cột mốc vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực củng cố chế độ dân chủ cộng hòa, thực hiện những cải cách dân chủ, từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân, tiến lên cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng". Từ năm 1954 - 1960, Quốc hội đã quyết tâm thi hành đúng đắn Hiệp định Giơ-ne-vơ, thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, củng cố và tăng cường Nhà nước, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại chiến tranh một phía của đế quốc Mỹ và tay sai.

Quốc hội, Hội đồng Chính phủ hết sức coi trọng việc xây dựng Hiến pháp và các đạo luật. Hơn 14 năm hoạt động, trong đó thời gian chiến tranh ác liệt đã gần 9 năm, song Quốc hội đã hai lần xây dựng Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959), thông qua nhiều đạo luật lớn. Các quyền dân tộc cơ bản, quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định khá cụ thể. Nội dung cơ bản của các quyền dân tộc dân chủ đó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, đang được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới của đất nước.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.