Gạc Ma - 33 mùa xuân bất tử
64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong “Sự kiện Gạc Ma” ngày 14-3-1988 đã trở thành những tượng đài bất tử. Các anh ngã xuống cho Trường Sa xanh mãi, để thế hệ trẻ Việt tự hào và ngẩng cao đầu với bạn bè năm châu về Tổ quốc kiêu hùng…
Ngày 14-3 cách đây 33 năm, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ rạn đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 33 năm qua, xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm dưới tầng tầng lớp lớp sóng, kết vào san hô, hòa vào lòng biển mặn. Hiện nay 64 linh hồn liệt sĩ Gạc Ma được trân trọng đặt trong 64 ngôi mộ gió nằm ở triền đồi cát trắng trong Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” ở bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Trung tâm khu tưởng niệm là “Tượng đài Gạc Ma” tái hiện hình ảnh tiểu đội Gạc Ma kết thành “vòng tròn bất tử” với lá cờ Tổ quốc kiêu hùng giữa sóng nước biển khơi.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. |
Trung tuần tháng ba hằng năm, hàng nghìn lượt người lại đến Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” để dâng hương viếng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Trong dòng người ấy, có nhiều cựu binh Gạc Ma – những người sống sót trở về. Họ đến để thắp nén hương lên ngôi mộ gió và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng đội.
Lần thứ ba đến Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, cựu binh Lê Hữu Thảo, người sống sót từ đảo Gạc Ma trở về xúc động đến từng ngôi mộ gió thắp nén hương trước anh linh đồng đội. Đến mộ nào, ông cũng đưa tay chào và nghiêng mình kính cẩn nói trong xúc động: “Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng. Đồng đội hãy yên nghỉ nhé”. Ông Thảo chia sẻ: “Tôi không quên được những ngày ở Gạc Ma, chỉ huy với lính như anh em một nhà. Cứ đến ngày 14-3 hằng năm, đêm nằm nước mắt tôi lại chảy dài, thương đồng đội vô cùng”. Ông Thảo khóc, giọt nước mắt người cựu binh rơi nhòa trên mộ gió đồng đội.
Ông Thảo kể, ngày lên đường ra Gạc Ma ông mới tròn 18 tuổi. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông ra Trường Sa chẳng tiếc thân mình. Ông Thảo hồi tưởng: “64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma thì hơn 90% đang ở tuổi mười tám, đôi mươi. Hầu như tất cả đều rất trẻ, chưa biết yêu là gì. Một vài sĩ quan cưới vợ xong rồi đi và rồi không bao giờ trở lại. Tôi cũng như anh em đồng đội ngày ấy khi ra đảo biết có thể phải hy sinh, phải nằm lại giữa biển khơi nhưng vẫn hăng hái lên đường”.
Một bạn trẻ trước bia đá khắc tên các liệt sĩ trong trận Gạc Ma. |
Ký ức Gạc Ma ùa về trong tim người cựu binh như một cuốn phim quay chậm. Ông Thảo khóc. 33 năm trước ông khóc vì đồng đội hy sinh không tìm thấy thi thể. Hôm nay ông khóc trước 64 linh hồn đồng đội đang ẩn hiện dưới 64 ngôi mộ gió.
Ngày 14-3 năm nay, để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tỉnh Khánh Hòa không tổ chức dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma. Nhưng với lòng thành kính tri ân và nghĩa cử đối với anh hùng liệt sĩ, dòng người khắp nơi vẫn đổ về, trong đó phần lớn là vợ, con, cháu, người thân của các liệt sĩ. Có cựu binh đến để thắp hương lên ngôi mộ gió đồng đội, có người mẹ đến để áp má mình vào di ảnh con trai, có người vợ đứng trước mộ chồng để vơi dịu nỗi đau, có bạn trẻ đến tìm hiểu về lịch sử Gạc Ma, thắp nén nhang tri ân liệt sĩ dù chưa một lần biết mặt. Mỗi người đến từ miền quê, cung bậc cảm nhận khác nhau nhưng đều có chung một lòng thành kính tri ân các liệt sĩ.
33 năm đã trôi qua, sự kiện “CQ- Gạc Ma 88” đã lùi vào dĩ vãng song lịch sử không bao giờ quên “Gạc Ma” ngày 14-3 năm ấy. Bởi để bảo vệ biển đảo quê hương, 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc...
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc