Multimedia Đọc Báo in

Còn nhiều khó khăn trong việc kiềm chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng

14:39, 28/04/2010
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 có mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay, chỉ tăng 0,14% so với tháng 3. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, CPI của nước ta vẫn tăng khá cao, ở mức 4,2%. Đó là đánh giá tại phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) diễn ra vào ngày 27-4. 

Thị trường tiếp tục sôi động

Theo Tổ điều hành, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước tháng 4 vẫn sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội duy trì ở mức cao, ước đạt 124.897 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đã đạt 493.517 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự sôi động này một mặt do những tác động từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, kéo theo sự gia tăng của thị trường chứng khoán và những biến động của một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã khuyến khích hoạt động đầu tư vào thị trường hàng hóa nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, ở trong nước, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương và Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Mặt khác, do tháng 4 có nhiều hoạt động lễ hội, du lịch, các chương trình khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến cung hàng hóa, dịch vụ tăng đáng kể. Theo dự báo, mặc dù áp lực tăng giá từ các nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dao động ở mức cao; chi phí đầu vào sản xuất tăng do từ 1-5 sẽ tăng lương cơ bản… song thị trường nội địa tháng 5 tới vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.

 
Kiềm chế mức tăng CPI

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng tăng 0,14% so với tháng 3, đây được xem là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, sở dĩ CPI có mức tăng thấp như vậy là do giá các nhóm hàng thiết yếu chiếm tỉ trọng lớn trong rổ tính CPI giảm và tác động từ những giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Cụ thể, trong cơ cấu chỉ số giá tháng 4, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,63%, trong đó, lương thực giảm 1,91%; thực phẩm giảm 0,53%, riêng nhóm hàng hóa, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ, đạt 0,46%. Trong tháng 4, thị trường tiếp tục ghi nhận mức tăng giá khá cao của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng do giá một số loại vật liệu xâu dựng (đặc biệt là sắt thép) tăng nhanh và mạnh. Nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2010, thì CPI của nước ta vẫn tăng khá cao, ở mức 4,2% (trong khi Quốc hội giao chỉ tiêu trong năm 2010 khống chế CPI ở mức 7%). Như vậy, so với mục tiêu kiềm chế CPI cả năm tăng 7%, 8 tháng còn lại sẽ chỉ được phép tăng trung bình khoảng 0,23%/tháng. Đây là thách thức lớn đối với sự điều hành vĩ mô nhất là phải bảo đảm kiềm chế CPI mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hoa Hồng (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc