Hàng nghìn héc-ta cà phê có nguy cơ mất trắng do hạn
Mặc dù đã có một vài trận mưa giải nhiệt nhưng khô hạn vẫn thường trực trên nhiều vùng cà phê trong tỉnh. Hàng nghìn héc-ta cà phê đang có nguy cơ mất trắng do hạn.
Ea H’leo là một trong những huyện trồng nhiều cà phê của tỉnh ta với hơn 20.000 ha. Sáu tháng mùa khô dằng đặc không mưa khiến hầu hết các dòng suối trên địa bàn đều cạn kiệt. Con đường đất từ trung tâm xã Ea Nam, vào thôn 5 hơn chục cây số, bụi đỏ bốc lên mù mịt, nhiều đoạn bụi mịn như bột, lấp đầy các ổ trâu, ổ voi, ngập gần nửa bánh xe máy. Hai bên đường, nhiều vườn cà phê khô cháy từng vạt, phơi mình giữa trời nắng như đổ lửa. Giữa đường, ông Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ nông nghiệp xã Ea Nam, chỉ tay vào con suối Ea Khăl kiệt trơ đá: “Suối lớn chảy qua thung lũng này chưa bao giờ cạn nước, vậy mà năm nay khô khốc. Nhiều người dân quen dùng nước suối còn không có nước sinh hoạt, lấy đâu ra nước tưới cà phê”. Ông Phạm Văn Miền, trưởng thôn 5 cho biết thôn có gần 100 hộ dân, trồng 230 ha cà phê, cả vùng không có hồ, đập nào trữ nước nên ai cũng đào ao nhỏ hoặc đào giếng lấy nước ngầm để tưới cà phê; hiện giếng, ao nhà nào cũng cạn, đào thêm vẫn không có nước. “Năm nay thôn 5 xem như trắng tay vì vườn cà phê nhà ai ít nhiều cũng khô hạn cả” – ông Miền than.
Gần thôn 5 có hồ Ea Rú, quanh hồ có khoảng 60 ha cà phê của bà con buôn Riêng. Hồ cạn hơn một tháng qua khiến những vườn cây ở đây bị bỏ tưới từ đợt thứ 3, cành lá héo rũ, trái cà phê non khô quắt. Phía đồi cao cách bờ hồ chừng hai trăm mét, có vườn cây của ông Y Kríu Ksơr vừa bị cưa đổ ngổn ngang. Ông Y Kríu ngậm ngùi nói: “Mình chặt bỏ 5 sào cà phê này để đợi mưa xuống có đất trỉa đậu, bắp. Nếu bám vườn cây này thì cả nhà chết đói mất. Mấy năm rồi hạn hán miết, thu quả cà phê không được bao nhiêu, không đủ bù công sức, tiền của chăm sóc”. Ông Y Kríu cũng cho hay, những ngày qua nhiều hộ ở buôn Riêng đã chặt bỏ gần 5 ha cà phê, nếu nắng hạn kiểu này kéo dài thì thêm nhiều người phá cà phê để trồng cây khác “nhanh có ăn” hơn, vì đầu tư phục hồi vườn cà phê rất tốn kém...
Bà Phạm Thị Hạnh, Quyền chủ tịch UBND xã Ea Nam cho biết, cả xã chỉ có 7 hồ, đập thuộc loại nhỏ và vừa thì hiện đã cạn khô 5 cái; hơn 2/3 trong số 4.600 ha cà phê trên địa bàn xã bị thiếu nước tưới. Ngoài Ea Nam, nhiều vùng chuyên canh cà phê khác của huyện Ea H’leo như Ea Ral, Ea Khal, Dliê Yang... cũng bị hạn. Theo ông Bùi Công Lăng, Trưởng phòng NN-PTNT Ea H’leo, toàn huyện đã có gần 2.000 ha cà phê bị hạn nặng, có thể mất trắng, trong khi đó diện tích thiếu nước tưới cũng tăng lên từng ngày.
Nhiều vườn cà phê ở xã Ea Nam (Ea H’Leo) bị chặt bỏ do không có nước tưới |
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 2.540 ha cà phê bị khô hạn, khả năng thất thu; huyện Ea H’leo bị hạn nhiều nhất, tiếp đó là Krông Buk, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ. Nếu nắng nóng đến hết tháng 4, diện tích cà phê bị mất sẽ mở rộng ra nhiều huyện khác, có thể trên 7.000 ha, thiệt hại ước hàng trăm tỉ đồng. Đáng nói là nhiều nơi bị hạn đã từng được ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng cà phê do điều kiện địa hình đồi dốc cao, thiếu nguồn nước, chi phí đầu tư lớn... Song việc trồng cà phê tự phát vẫn diễn ra, mỗi năm gần đây người dân trồng từ 2.000 - 3.000 ha, phá vỡ quy hoạch sản xuất của các địa phương. Ông Sinh cho rằng, một khi nguồn nước khô kiệt thì chống hạn cho cà phê hết sức khó khăn. Hiện Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách cấp 38 tỉ đồng cho các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hạn hán; trong đó có 4,5 tỉ đồng mua giống cây ngắn ngày.
Ý kiến bạn đọc