22:37, 20/04/2010
Trong các tiêu chí bình chọn doanh nghiệp đoạt giải Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2010, yếu tố phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ phục vụ người tiêu dùng Việt được đặc biệt chú trọng.
|
Sản xuất bơm chìm tại CTy TNHH Daphovina |
Đây cũng là mục tiêu mà các doanh nghiệp (DN) Dak Lak hướng đến nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Theo đánh giá của Trung tâm xúc tiến Thương mại-Đầu tư- Du lịch tỉnh, trong phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian qua, doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên “sân nhà". Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm và đăng ký kiểu dáng công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn hàng hóa, đủ sức cạnh trạnh trên thị trường, bên cạnh những DN lớn như Công ty (Cty) Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Cty Cao su Dak Lak, Cty XNK Dak Lak…thì những DN vừa và nhỏ cũng ngày càng tăng, như Cty TNHH Ngọc Hùng (huyện Ea Hleo), Cty TNHH Đăng Phong, Văn Tứ (T.P Buôn Ma Thuột)… Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thương hiệu, DN nước ngoài tham gia thị trường, thì việc xác định lợi thế để tìm bước đi phù hợp cho DN trong nước là một yếu tố hết sức quan trọng. Tại Hội thảo phát triển cà phê bền vững trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2, với sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp hàng đầu ngành cà phê trong và ngoài nước,Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã tuyên bố, Trung Nguyên không ngại cạnh tranh trực diện với với Nestlé bằng việc xây dựng thương hiệu Việt cho sản phẩm cà phê. Ông cho rằng, nếu DN nước ngoài có những lợi thế về vốn, kinh nghiệm thì DN Việt có những lợi thế hơn hẳn về việc hiểu rõ văn hoá tiêu dùng của người dân, có nhiều sự lựa chọn cách tổ chức thị trường phù hợp với khả năng và lợi thế của mình. Và thực tế, đến nay sản phẩm cà phê G7 của Trung Nguyên đã chiếm một thị phần đáng kể trên thị trường nội địa. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Phong (T.P Buôn Ma Thuột) thì cho rằng, chiếm lĩnh thị trường nội địa phải gắn với việc khẳng định thương hiệu của DN. Đặc thù Dak Lak là sản xuất nông nghiệp, sản phẩm chủ lực là nông sản nên việc đầu tư vào sản xuất thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản được nhiều DN chú trọng và bước đầu đã tạo được thương hiệu. Những sản phẩm cơ khí “made in” Dak Lak như cối xay, dây chuyền chế biến cà phê, bơm chìm, béc tưới…được chú trọng bảo đảm tính năng bền và tiện lợi, triển khai được ngay với trình độ kỹ thuật và thị trường vật tư trong nước hiện tại; đồng thời quy mô, giá cả phải phù hợp cho việc sử dụng của hộ hoặc nhóm nông hộ đã thực sự chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nhờ đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, những sản phẩm này được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận, ứng dụng hiệu quả không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn trong phạm vi cả nước.
|
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm chế biến cà phê công nghệ ướt của DN Dak Lak sản xuất |
Xây dựng kênh phân phối cũng góp sức không nhỏ vào việc xây dựng, quảng bá thương hiệu. Theo ông Nguyễn Anh Tiến, Phó Giám đốc Co.op Mart Buôn Ma Thuột, DN trong nước dễ dàng thiết lập các mối liên kết giữa DN phân phối và DN sản xuất với nhau, hình thành những kênh lưu thông ổn định. Thông qua chương trình "Liên kết thị trường Bắc - Nam" nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm nội địa và mở rộng hệ thống bán lẻ, hệ thống Co.op Mart đã tăng cường liên kết với các nhà sản xuất hàng hóa trong nước, đến nay trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống có khoảng 80% là hàng Việt Nam. Những mặt hàng sản xuất tại Dak Lak như rau an toàn Toàn Thịnh, trứng Siêu Môn…qua kênh siêu thị đã bước đầu khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm với lượng hàng tiêu thụ ngày càng tăng.
|
Sản phẩm rau an toàn Toàn Thịnh được người tiêu dùng lựa chọn |
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, trong định hướng phát triển thương mại của tỉnh, xây dựng kênh phân phối là một nội dung quan trọng. Đặc biệt, chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn đang được triển khai sâu rộng với sự tham gia tích cực của DN cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ phía địa phương. Trong bối cảnh hiện tại, lợi nhuận không phải là yếu tố hàng đầu mà mục đích chính là để quảng bá thương hiệu của DN đến với người tiêu dùng, qua đó mở rộng đại lý phân phối, tăng doanh số bán hàng, bước đầu xây dựng được cho người tiêu dùng niềm tin vào sản phẩm nội địa, giúp thương hiệu Việt có chỗ đứng vững chắc hơn .
Ý kiến bạn đọc