Những thành tựu ấn tượng của kinh tế Việt Nam sau 35 năm thống nhất đất nước
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã nỗ lực, tập trung phát huy sức mạnh toàn diện, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Đến nay, sau 35 năm, kinh tế Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật qua từng giai đoạn, ngày càng tự tin bước vào hội nhập.
* Nỗ lực khôi phục kinh tế đất nước sau chiến tranh (giai đoạn 1976 – 1980)
Giai đoạn này tập trung vào hai mục tiêu cơ bản và cấp bách: xây dựng nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới và cải thiện đời sống của nhân dân lao động. Miền Bắc đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa – tập thể hóa. Miền Nam tiến hành cải tạo XHCN theo hướng thống nhất mô hình kinh tế chung trong cả nước nhằm vào hai thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể. Nhà nước đã dùng 1/3 ngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản giúp cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân tăng lên đáng kể. Riêng ngành công nghiệp đã có thêm 714 xí nghiệp quốc doanh, trong đó 415 xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp nặng. Ngành nông nghiệp đã phục hóa được 50 vạn ha ruộng đất bị bỏ hoang trong thời kỳ chiến tranh, khai hoang 70 vạn ha, diện tích trồng cây hằng năm tăng 2 triệu ha, diện tích trồng rừng tăng 58 vạn ha.
* Khoán 100 tạo đột phá trong nông nghiệp (giai đoạn 1981 – 1985)
Đây là giai đoạn tiến hành một số đổi mới trong quản lý ở một số ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 100 CT/CP, chính thức quyết định chủ trương thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động (thường gọi là khoán 100). Hình thức này đã tạo động lực trong sản xuất, làm tăng đáng kể sản lượng lương thực. Trong công nghiệp, Nghị định 25- CP ngày 21 - 1 – 1981 của Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận với cơ chế thị trường.
Việt Nam đạt con số xuất khẩu gạo kỷ lục hơn 6 triệu tấn năm 2009 |
Trong thời gian 1981 - 1982, Nhà nước tiến hành điều chỉnh giá nhằm đưa hệ thống giá cũ, quá thấp, nặng tính bao cấp, tiếp cận với giá thị trường. Đây là cuộc cải cách giá tương đối lớn đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 10-1985, Nhà nước lại tiến hành đợt tổng điều chỉnh giá đi đôi với xây dựng hệ thống lương theo giá mới, đồng thời tiến hành đổi tiền.
* Đường lối đổi mới đi vào cuộc sống (giai đoạn 1986-1990)
Đường lối đổi mới đất nước, đi lên CNXH do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đã thật sự đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Về lương thực, thực phẩm, từ chỗ thiếu ăn triền miên, sản lượng lương thực năm 1988 đạt 19,50 triệu tấn; năm 1989 đạt 21,40 triệu tấn và đến năm 1990, đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và đổi mới nhiều chính sách về sản xuất và lưu thông hàng hóa đã làm cho hàng hóa trên thị trường dồi dào, đa dạng. Từ 1986 -1990, hàng xuất khẩu tăng gấp 3 lần, sản xuất tăng thêm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như gạo, dầu thô...
* Tiếp tục đổi mới đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế (giai đoạn 1991-1995)
Tiếp tục thực hiện đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu và tiến bộ to lớn trên các lĩnh vực: Trong 5 năm, tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hằng năm 8,2%; công nghiệp 18,3%; nông nghiệp 4,5%; các ngành dịch vụ 12%... Sản lượng lương thực tăng 26% so với 5 năm trước, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 17 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản năm 1995 tăng gấp 8 lần năm 1990. Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nổi bật nhất là đã từng bước đẩy lùi lạm phát và chặn được nạn lạm phát cao (lạm phát từ mức 67,1% năm 1991 giảm xuống 12,7% năm 1995).
Kinh tế Việt Nam ngày càng tự tin bước vào hội nhập. |
* Hình thành các vùng cây công nghiệp có giá trị (giai đoạn 1996 -2000)
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế giai đoạn này đã đạt được những thành tựu quan trọng: Nhịp độ kinh tế tăng trưởng khá. Hình thành các vùng cây công nghiệp có giá trị, nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực. Công nghiệp giữ nhịp độ tăng, giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 13,5%. Kết cấu hạ tầng: bưu chính viễn thông, đường sá, cầu cống, sân bay, điện... được tăng cường. Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Năm 2000 đã chặn được đà giảm sút mức tăng trưởng kinh tế.
Lễ ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. |
* Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh (giai đoạn 2001-2005)
Trong giai đoạn này, vốn đầu tư của khu vực FDI tăng nhanh nhất (khoảng 16,4%). Tính chung trong giai đoạn 2001-2005, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 12,9 tỷ USD, vượt 7,5% mục tiêu dự kiến. Đến năm 2005 có 41/64 tỉnh thành thu hút được vốn FDI. Trong năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam phát hành thành công trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với giá trị 750 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 8,4%, vượt xa con số 7,8% của năm 2004. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 1997; cao thứ hai so với các nước trong khu vực Đông Á và chỉ đứng sau Trung Quốc.
Cầu Cần Thơ vừa được khánh thành trong tháng 4-2010 đã tạo bệ phóng cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. |
* Tham gia vào “sân chơi” toàn cầu, lập nhiều kỷ lục mới (từ năm 2006 đến nay)
Phá vỡ thế bao vây cấm vận, Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước; gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 160 quốc gia và 70 vùng lãnh thổ. Quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển nhanh và thiết thực trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Mặc dù chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2008 nhưng đến hết năm 2009, nước ta đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, có những bước đột phá và là một trong số ít quốc gia châu Á có tăng trưởng dương. Mức tăng trưởng GDP năm 2009 đạt 5,32% - một trong những mức tăng trưởng ấn tượng ở khu vực. Nhờ vậy, Việt Nam đã được các nhà tài trợ tin tưởng cam kết viện trợ với một con số kỷ lục từ trước tới nay: hơn 8 tỷ USD trong năm 2010. Cũng trong giai đoạn này, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt kỷ lục. Năm 2009, xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo với kim ngạch hơn 2,74 tỷ USD, tăng hơn 33% so với năm 2007 (4,5 triệu tấn), tăng 30,4% so với năm 2008 (4,6 triệu tấn).
Ý kiến bạn đọc