16:54, 18/04/2010
Việt Nam sẽ không bảo hộ hay đóng cửa thị trường để hạn chế nhập siêu mà thay vào đó, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản.
|
Trái cây là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc Ảnh: H.H |
Theo số liệu được công bố tại Hội thảo “Cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16-4, kể từ năm 2004, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2009 thương mại song phương
Việt-Trung đạt 21,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2008, dự kiến năm 2010 đạt 25 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc gồm ba nhóm hàng chính là nguyên, nhiên liệu và khoáng sản, chiếm tỷ trọng 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nông, thủy sản như trái cây, cao su, cà phê, chiếm tỷ trọng 15-20%. Riêng nhóm công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất, khoảng trên 10%.
|
Sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu hàng xuất khẩu Ảnh: H.H |
Bộ Công Thương nhận định, để hạn chế nhập siêu Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ Công Thương đã đề nghị Trung Quốc có những chính sách hỗ trợ nhập khẩu 16 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, lâm thủy sản, trái cây. Trong những năm gần đây, do các yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như giá nhân công của Trung Quốc ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Tây Âu...và cả chính Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này.
Bắt đầu từ năm nay, khu vực mậu dịch tự do ASEAN 6 - Trung Quốc chính thức thực hiện với cam kết giảm thuế nhập khẩu 0-5%, Việt Nam được thực hiện cam kết muộn hơn, bắt đầu từ năm 2015. Trong thời gian 5 năm tới, doanh nghiệp Việt Nam phải tranh thủ tận dụng cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác cả về thương mại, đầu tư liên doanh sản xuất, mở rộng xuất khẩu nhằm hạn chế nhập siêu. Bộ Công thương khẳng định, đẩy mạnh xuất khẩu để dần dần, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn nhập khẩu, không vì hạn chế nhập siêu mà Việt Nam có các biện pháp bảo hộ hay đóng cửa thị trường.
Hoa Hồng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc