Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng diện tích ca cao: Vẫn còn nhiều khó khăn

09:30, 22/05/2010

Ca cao  được xem là cây trồng thay thế phù hợp nhất cho diện tích điều, cà phê kém năng suất, già cỗi, hoặc cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay diện tích và sản lượng ca cao vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra.

Nông dân chưa mặn mà...
Cây ca cao có mặt ở Dak Lak khá sớm, từ năm 1997 qua các mô hình thử nghiệm của Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp (KHNLN) Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên và các dự án phát triển nông nghiệp. Năm 2002 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 6.000 ha, tập trung ở một số vùng không có điều kiện sinh thái phù hợp với cây cà phê, cao su, điều như: M’Drak, Lak, Krông Bông, Krông Năng... Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển khoảng 1.500 ha, được trồng tại 12/15 huyện, thị, thành phố, trong đó diện tích cho thu hoạch 314 ha, năng suất quả tươi bình quân đạt 51,24 tạ/ha, sản lượng 1.609 tấn. Đã có 66,6% (khoảng 1.000 ha) được trồng bằng các giống ghép chủ yếu là 5 dòng TC (TC5, TC7, TC11, TC12, TC13) của Viện KHNLN Tây Nguyên và 8 dòng TD nội nhập (TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD10, TD14) do Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh cung cấp. Qua thực tế cho thấy, cây ca cao trồng trên các loại đất, nhiều vùng sinh thái của tỉnh đều sinh trưởng và phát triển khá tốt, nhất là những vườn ca cao được trồng xen dưới tán điều đã cho hiệu quả kinh tế kép. Tuy nhiên, dù giá thu mua ca cao đang ở mức cao, nhưng phần lớn bà con nông dân vẫn chưa thật sự mặn mà với nó. Từ năm 1997 đến nay, tổng diện tích mới chỉ đạt gần 1.500 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Kar, Lak, Krông Ana. Riêng đầu năm 2010 chỉ mới phát triển thêm được hơn 200 ha, trong khi mục tiêu đưa ra là đến năm 2010 diện tích ca cao toàn tỉnh sẽ đạt 6.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho diện tích ca cao chậm phát triển là do cây cà phê vẫn còn sức hút rất mạnh đối với nông dân. Giá cà phê nhân trong vài năm trở lại đây tuy bấp bênh, nhưng đây lại là loại cây trồng truyền thống, gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn, do vậy, cho tới nay ở Dak Lak khó có  loại cây công nghiệp nào có thể cạnh tranh với cây cà phê. Trong khi đó, ca cao là một loại cây trồng mới, với nhiều kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế lên men khá phức tạp, buộc người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật khiến nhiều nông dân chưa đủ tự tin để đầu tư chuyển đổi sang trồng loại cây này. Ngoài ra, tình hình bất ổn ở các vườn ca cao kinh doanh cũng khiến người dân e ngại, vì theo họ trái ca cao còn dễ bị mất trộm hơn cà phê. Còn một lý do quan trọng khác là nguồn vốn phát triển cây ca cao chủ yếu là đang nhờ đầu tư của nhà tài trợ và doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế, cho đến nay, Dak Lak vẫn chưa có một chiến lược tổng thể cho ngành sản xuất ca cao, chưa có hệ thống giám sát, đánh giá đủ mạnh, chưa kể, việc phát triển ca cao ở quy mô nhỏ lẻ, tập quán canh tác lạc hậu của bà con, cùng với chuyển giao công nghệ hạn chế và sự thiếu thốn về kỹ thuật vật tư trồng trọt ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đặt ra thách thức lớn cho việc phát triển cây ca cao ở Dak Lak.

Phát triển ca cao tại các nông hộ là hướng đi trong lộ trình mở rộng diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh.
Phát triển ca cao tại các nông hộ là hướng đi trong lộ trình mở rộng diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh.

Cần một chính sách để phát triển
Tại phiên họp lần thứ 10 của Ban điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam ở TP. Buôn Ma Thuột, đa số các đại biểu đều nhận định tiềm năng phát triển ca cao ở Dak Lak rất lớn, trong tương lai có thể coi đây như một trong những loại cây công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát triển mà tỉnh đã đề ra, trước mắt cần chú trọng đầu tư phát triển ca cao theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và sản lượng, đặc biệt là đầu tư chiều sâu cho công nghiệp chế biến. Theo ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia, trong xây dựng lộ trình phát triển cây ca cao, ngành nông nghiệp Dak Lak cần tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển diện tích trồng ca cao, nên chú trọng thâm canh tăng năng suất, trồng xen canh. Đồng thời, tổ chức liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân... Còn theo Sở NN-PTNT, trong thời gian tới tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và các thành phần kinh tế tư nhân có điều kiện tham gia phát triển ca cao; hỗ trợ các công ty được vay vốn ưu đãi để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các vườn cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng cây ca cao; cần có chính sách hỗ trợ giống, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi, xúc tiến thị trường. Các nhà sản xuất, chế biến, dịch vụ có cơ chế bảo hiểm giá và bao tiêu sản phẩm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân và các doanh nghiệp trồng ca cao; hỗ trợ kinh phí để xây dựng các vườn nhân giống và lập các vườn mẫu tại các vùng đã được quy hoạch trồng ca cao để có nguồn giống tốt và tạo điều kiện cho nông dân tham quan học hỏi… Làm được những điều này thì cây ca cao mới tìm được chỗ đứng vững  chắc trên mảnh đất của xứ sở cà phê. Được biết, trong nỗ lực tìm chỗ đứng cho cây ca cao ở Dak Lak, tại hội nghị mở rộng diện tích ca cao giai đoạn 2010 – 2015 của Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã đưa ra mục tiêu phát triển 2.500 ha, phân bố đều ở các công ty thành viên để thay thế dần những diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc mở rộng diện tích ca cao trên địa bàn.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc