PHÂN XƯỞNG THỦY ĐIỆN DRAY H’LINH:
Sửa chữa bảo trì thiết bị hợp lý, tăng sản lượng điện trên lưới
Để duy trì tăng cao nguồn điện phục vụ khách hàng, tập thể cán bộ công nhân viên Phân xưởng thủy điện Dray H’linh, Điện lực Dak Lak (ĐLĐL) đã nghiên cứu, áp dụng nhiều cách làm sáng tạo như tập trung bảo trì, sửa chữa thiết bị vào mùa khô nhằm hạn chế thời gian ngừng vận hành của các tổ máy.
Phân xưởng thủy điện Dray H’linh (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) hiện quản lý 2 nhà máy thủy điện: B1 đưa vào vận hành năm 1990, (3 tổ máy, công suất 12MW) và B2, vận hành năm 1957 (2 tổ máy, công suất 0,48MW). Do thời gian sử dụng đã lâu nên phần lớn các tổ máy đã xuống cấp, phải thường xuyên sửa chữa, thay thế thiết bị và mỗi lần như thế đều cần có nhiều thời gian. Trong khi đó, với điều kiện thiếu điện trên diện rộng như hiện nay thì việc ngưng hoạt động của các tổ máy trong thời gian dài để tiến hành sửa chữa, bảo trì là không thể. Để bảo đảm máy vận hành liên tục, hoặc ít nhất cũng hạn chế được một phần thời gian máy ngừng hoạt động, tập thể cán bộ, công nhân viên toàn phân xưởng đã không ngừng nghiên cứu, đưa ra nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cụ thể, theo đúng quy trình của nhà sản xuất thiết bị, cứ sau 10 năm vận hành, nhà máy B1 phải ngừng phát điện để sửa chữa. Lần này những người quản lý phân xưởng quyết định cải tạo, nâng cấp nhà máy theo công nghệ của Cộng hòa liên bang Đức (công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điều tốc của nhà máy thủy điện). Tuy nhiên, công nghệ này lại phải lắp trên “bộ xương” cũ của Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay - nhà máy B1 sử dụng công nghệ Tiệp Khắc) nên không đồng bộ, các chuyên gia Đức yêu cầu ĐLĐL phải thuê 2 chuyên gia Tiệp Khắc đến lắp ráp (thời gian khoảng 2 tháng, chi phí chừng 60.000 USD) thì mới bảo đảm vận hành nhà máy sớm được. Trước thực tế này, kỹ sư Nguyễn Văn Đức, cán bộ kỹ thuật phân xưởng mạnh dạn đề xuất được đảm nhận phần việc trên trước sự ngỡ ngàng, lo lắng của các đồng nghiệp. Sau hơn hai tháng mày mò tự đọc, dịch tài liệu, nghiên cứu hồ sơ thiết kế… cuối cùng phương án cải tạo hệ thống mạch tự động và thiết kế đấu nối giữa hệ thống tự động cũ (công nghệ Tiệp) với hệ thống tự động mới (công nghệ Đức) được Nguyễn Văn Đức thực hiện thành công, các tổ máy lần lượt hoạt động ổn định. Chỉ tính riêng số tiền làm lợi từ việc cải tiến, tận dụng thiết bị cũ đến rút ngắn thời gian dừng hoạt động của các tổ máy phát điện không dưới 500 triệu đồng, chưa kể khoản tiền phải bỏ ra để thuê các chuyên gia Tiệp Khắc.
Cán bộ kỹ thuật sửa chữa máy tại Nhà máy B1. |
Từ năm 1989 đến nay, Phân xưởng thủy điện Dray H’linh đã sản xuất được hơn 1.337 triệu kwh điện, góp phần tích cực trong việc phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào cả nước nói chung, tỉnh Dak Lak nói riêng.
Ý kiến bạn đọc