Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu nông sản ở Dak Lak

15:20, 22/05/2010

Với gần 480.000 ha đất nông nghiệp, thế mạnh vượt trội của Dak Lak là phát triển cây công nghiệp, theo đó các vùng nguyên liệu nông sản cũng đang được hình thành rõ nét như cao su, cà phê, bông vải... phục vụ đắc lực cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Con đường tất yếu
Khác với sự phát triển tự phát, nhỏ lẻ như trước đây, hiện phần lớn các vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh đã có sự gắn kết giữa trồng trọt và chế biến. Qua đó, các vùng nguyên liệu nông sản được hình thành cùng với sự ra đời của các nhà máy, xí nghiệp, trong đó, rõ nét nhất là vùng nguyên liệu cao su cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa. Hiện toàn tỉnh có 23.000 ha cao su, với sản lượng mủ đạt từ 18.000 - 20.000tấn/năm. Trong đó, khoảng 13.500 ha là của  Công ty Cao su Dak Lak, hơn 5000 ha cao su tiểu điền; khoảng 3000 ha của một số doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn. Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển cao su tiểu điền như: vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, liên kết với các nông trường, công ty hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cao su nhằm rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản, sớm đưa các vườn cây cao su tiểu điền vào kinh doanh. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cao su trên toàn tỉnh là 49.140 ha, vùng quy hoạch phân bố trên 77 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố (gồm TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak, Cư Kuin, Krông Bông) nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Vùng nguyên liệu cà phê đang được đầu tư phát triển theo hướng bền vững. (Ảnh: Hoàng Tuyết)
Vùng nguyên liệu cà phê đang được đầu tư phát triển theo hướng bền vững. (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Bên cạnh đó, cà phê vẫn được xem là cây trồng mủi nhọn của tỉnh, với diện tích khoảng 181.000 ha, sản lượng trung bình 400 ngàn tấn/năm, giá trị xuất khẩu chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp trên 40% GDP của tỉnh. Mới đây, liên minh sản xuất cà phê bền vững Cư Êbur – Simexco Dak Lak đã ra mắt 4 tổ hợp tác của 182 hộ nông dân người Êđê, với diện tích cà phê 273 ha, là một tín hiệu vui trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ổn định, năng suất cao, chất lượng đạt các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững quốc tế. Ngoài ra, liên minh còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người sản xuất. Thêm một tín hiệu vui nữa cho vùng nguyên liệu nông sản của Dak Lak, trong vụ bông năm 2010, Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên hỗ trợ gần 6 tỷ đồng để thu mua sản phẩm cho người trồng bông trên địa bàn 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông, với mức giá bông hạt là 10.500 đồng/kg nhằm hỗ trợ cho người trồng bông mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn Tây Nguyên phục vụ các nhà máy chế biến. Hiện, diện tích bông vải trên địa bàn khoảng 2.000 ha, sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar. Ngoài nguyên liệu truyền thống trên thì các loại cây như ngô, sắn, mía, mít, ca cao… cũng đã xây dựng được các vùng nguyên liệu, tuy chưa thật bền vững nhưng cũng đã góp phần gắn kết giữa vùng sản xuất và công nghiệp chế biến, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển kinh tế trong nước.

Với 1.483 ha cây ca cao, Dak Lak đang trở thành vùng nguyên liệu khá lớn cung ứng cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của cả nước. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Với 1.483 ha cây ca cao, Dak Lak đang trở thành vùng nguyên liệu khá lớn cung ứng cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của cả nước. (Ảnh: Thuận Nguyễn)

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bốn nhà
Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) chưa được triển khai rộng rãi. Thực tế qua nhiều niên vụ cho thấy, mối quan hệ giữa nhà máy và nông dân vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Điều đó thể hiện rõ khi giá cả trên thị trường có sự biến động thì ngay lập tức nhà máy áp giá mua sản phẩm của nông dân theo mức giá thị trường: nếu giảm thì nhà máy kéo giá mua sản phẩm xuống, ngược lại nếu tăng thì nông dân đem nông sản đi bán nơi khác. Ngoài ra, nông dân còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, phát triển không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chính vì vậy, hầu hết vùng nguyên liệu phát triển chưa thật bền vững, chủ yếu tập trung ở một số loại cây trồng như bông vải, cà phê và cao su… Tuy nhiên, trong thời gian qua do giá cả biến động, cây bông vải Dak Lak không cạnh tranh được với các tỉnh có thế mạnh về loại cây trồng này dẫn đến việc diện tích bông vải ngày càng giảm dần. Trong khi đó, cà phê là cây mũi nhọn, nhưng việc đầu tư cho vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức, chỉ có khoảng 20% diện tích cà phê toàn tỉnh được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo quy trình cà phê sạch. Diện tích còn lại do các hộ dân tự đầu tư, chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm, do vậy, giá cả mặt hàng này rất bấp bênh, có nhiều nguy cơ xấu tác động đến hiệu quả kinh tế. Không có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, làm theo kiểu tự phát “mạnh ai nấy làm” là yếu tố chính dẫn đến chất lượng cà phê thấp, khó cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Mặt khác, các yếu tố như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến các doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó mặn mà với nông dân đang gây tác động lớn đến việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp và đây phải là những đơn vị đi đầu trong công tác này. Các nhà máy chế biến cần đẩy mạnh việc đầu tư cho vùng nguyên liệu để bảo đảm cho nông dân đủ vốn sản xuất; phổ biến kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa để nông dân biết và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế sản xuất… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá mua nguyên liệu phù hợp ở từng thời điểm để tránh thiệt hại cho người dân. Về phía nhà nước, cần thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” trong việc gắn kết các nhà bằng các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể. Sự liên kết giữa các nhà không những tạo nên hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo sự ổn định lâu dài cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

 

Nguyễn Hoàng Lê

 


Ý kiến bạn đọc