Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi các công ty lâm nghiệp: Vẫn câu chuyện “bình mới rượu cũ” !

11:28, 20/08/2010

Việc thực hiện đổi mới mô hình hoạt động của các lâm trường thành các công ty lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng… Tuy nhiên, cho đến nay, số đơn vị hoạt động hiệu quả chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại chủ yếu đang lâm vào tình cảnh bế tắc, sản xuất cầm chừng.

Mô hình nuôi thử nghiệm đà điểu của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy (Ea H'leo).     Ảnh: Lê Hương
Mô hình nuôi thử nghiệm đà điểu của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy (Ea H'leo).

Lao đao vì vốn!
Đó là thực trạng chung của hầu hết các công ty lâm nghiệp hiện nay. Ngay như một số đơn vị được đánh giá là làm ăn có hiệu quả như: Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, M’Drak, Ea Kar, Ea Wy… cũng phải chật vật tự xoay xở, mà chủ yếu dựa trên tiềm lực, ưu thế sẵn có mới bảo đảm hoạt động sản xuất, đời sống người lao động. Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar bày tỏ: “Sau khi thực hiện sắp xếp đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý theo Quyết định 187/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế hoạt động mới giúp các công ty lâm nghiệp tự chủ hơn, tuy nhiên, họ chỉ có mỗi thế mạnh về quỹ đất nhưng cũng chẳng thế nào phát huy được thế mạnh ấy. Đơn giản ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty cũng như các đơn vị khác hiện vẫn nằm ở Sở Tài Nguyên và Môi trường, vì hầu hết chúng tôi đều không có khả năng tài chính để nộp thuế. Đối với Công ty, mặc dù được giao quản lý với hơn 4.000 ha gồm đất rừng và lâm nghiệp, đơn vị đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo phương thức đa dạng hóa cây trồng: trồng rừng kinh tế; liên kết trồng cao su... nhưng thật lòng mà nói thiếu vốn nên không thể nào táo bạo để tạo nên bước đột phá. Hoạt động sản xuất vẫn chỉ là duy trì những gì đã có, đơn vị cũng có tổ chức, sắp xếp lại nhưng không đáng kể, hiệu quả kinh tế mang lại vì thế không cao…”. Công ty Lâm nghiệp Ea Wy (Ea H’leo) cũng được đánh giá là một trong những đơn vị “ăn nên làm ra” sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động nhưng như những gì mà ông Lê Văn Dĩ, Giám đốc đơn vị này chia sẻ, thì hoạt động sản xuất ở đây vẫn còn thiếu ổn định chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Mặc dù trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Công ty cũng đã đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế theo hướng nông lâm kết hợp nhưng cũng như các đơn vị khác vì thiếu vốn mà khó có những hoạch định cho chiến lược phát triển lâu dài. Mới đây, Công ty đã ký kết hợp đồng với Công ty Khánh Việt (Khánh Hòa) thử nghiệm mô hình nuôi đà điểu dưới tán rừng. 20 con đà điểu sau khi mua về đã được Công ty khoán trực tiếp cho hộ gia đình anh Phan Quốc Tám, Trưởng Phân trường Ea Ral nuôi. 10 tháng tuổi, đà điểu thương phẩm đã có thể xuất bán với trọng lượng đạt trên 100kg. Với giá 45.000 đồng/kg theo giá thị trường hiện nay, mỗi con đà điểu thương phẩm có giá trị 4-5 triệu đồng, mang lại thu nhập khoảng  3-4 triệu đồng/con sau khi đã trừ chi phí. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách để lấy ngắn nuôi dài. Những công ty lâm nghiệp còn lại, phần lớn hoạt động sản xuất thì ì ạch, kém hiệu quả, đời sống của người lao động thì bấp bênh, tình trạng nợ lương vẫn còn diễn ra phổ biến… Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng căn cơ nhất vẫn là tiềm lực không có. Như thừa nhận của bà Trương Thị Xê, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa VII vừa qua, từ khi chuyển đổi lâm trường sang công ty lâm nghiệp thực chất là chuyển đổi tên doanh nghiệp, về bản chất gần như không có gì thay đổi, nên “bình mới” mà vẫn “rượu cũ”!
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp góp phần tạo thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp góp phần tạo thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.

Cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách!
Việc sắp xếp đổi mới hoạt động của các lâm trường sang công ty lâm nghiệp và hiện nay đang thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên chính là để những đơn vị này hoàn toàn tự chủ, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp rừng ở từng địa bàn mà các đơn vị này đứng chân. Đồng thời nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm tốt vai trò nòng cốt trong sản xuất lâm nghiệp, trở thành các trung tâm dịch vụ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia sản xuất nông-lâm nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc quản lý diện tích rừng, phát triển, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng và đất rừng, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của những đơn vị này mang tính đặc thù nên cần được có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Cũng theo ý kiến của bà Trương Thị Xê, tình hình tài chính các công ty lâm nghiệp rất khó khăn, vốn lưu động gần như không có, nguồn thu để chi cho các hoạt động hằng năm chủ yếu dựa vào khai thác gỗ tự nhiên và nguồn vốn từ Chương trình 661 của Chính phủ. Các công ty vẫn hoạt động theo cơ chế cũ, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngay cả cơ chế về vay vốn. Việc tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều trở ngại do không có tài sản thế chấp. Bởi tài sản duy nhất mà những doanh nghiệp này có là diện tích đất rừng của Nhà nước giao, nhưng ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng cũng chưa đơn vị nào có đủ khả năng tài chính thực hiện nghĩa vụ nộp thuế để có thể sở hữu. Hiện nay công tác đổi mới thành công ty TNHH một thành viên đang triển khai, tuy nhiên nếu Nhà nước không có cơ chế chính sách mới để hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện cho các công ty chủ động trong hoạt động sản xuất thì sẽ rơi vào tình trạng  khó khăn kéo dài và lại vẫn chuyện “bình mới rượu cũ”. Bà Trương Thị Xê cũng khẳng định: “Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm duy trì vốn rừng hiện có và từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo đảm môi trường sinh thái, phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh để có những chính sách phù hợp cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền: vay vốn ưu đãi, cho ghi nợ thuế hoặc giãn thời gian nộp thuế sử dụng đất, cho phép doanh nghiệp chủ động tìm đối tác đầu tư vốn để phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, đúng quy định pháp luật, bảo đảm an ninh, quốc phòng… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại các diện tích rừng, đất rừng và khả năng đầu tư quản lý bảo vệ phát triển rừng của các công ty để thu hồi những diện tích quản lý rừng kém hiệu quả cho các tổ chức kinh tế khác thuê, bảo vệ và kinh doanh theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được HĐND tỉnh thông qua. Về phía các công ty lâm nghiệp thì cũng cần chủ động sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh, có như vậy mới đứng vững trong kinh tế thị trường.”

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.