Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại trong nước theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường

07:53, 15/08/2010
Một trong các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt là các doanh nghiệp phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ trong sản xuất và phân phối,  tạo cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn.
Đây là vấn đề được bàn luận tại Hội thảo “ Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối vì người tiêu dùng Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kết hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại Hà Nội.
         
Hệ thống phân phối khu vực nông thôn chưa hiệu quả


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, qua 1 năm thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hiệu quả của hàng Việt tại thị trường nội địa có thể định lượng, đo đếm được bằng số lượng các doanh nghiệp tham gia, số lượng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng trên cả nước, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn. Tuy nhiên, cần phát triển Chương trình này theo hướng dài hạn, nếu các cơ quan Nhà nước chỉ tạo “cú hích” mà tự thân các doanh nghiệp không phát triển thị phần của mình theo hướng này sẽ không mang lại hiệu quả.
Ảnh: H.H
Mua bán tại chợ huyện Ea Ka        Ảnh: H.H

Người tiêu dùng nước ta đang chuyển đổi dần thói quen mua sắm từ các chợ sang các siêu thị, các cửa hàng lớn và các trung tâm mua sắm. Trước xu hướng các kênh bán lẻ truyền thống sẽ bị thu hẹp dần, nhường chỗ cho các kênh mua sắm hiện đại, nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước đã sớm quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại khu vực thành thị, hệ thống bán hàng của doanh nghiệp tại khu vực nông thôn chưa được bao kín và hoạt động kém hiệu quả. Trên thực tế, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 40%) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập (khoảng 44%), lượng hàng hóa phân phối thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 6% là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng.
 
Tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn cho doanh nghiệp

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng:  Sự liên kết giữa các nhà sản xuất và các doanh nghiệp thương mại trong nước để tạo thành một kênh phân phối thống nhất hợp lý cung cấp hàng hóa cho thị trường nông thôn còn rất hạn chế, chủ yếu là mạnh ai nấy làm. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì các tập đoàn phân phối, bán lẻ nước ngoài đang mở rộng mạng lưới phân phối ở Việt Nam sẽ nhanh chóng thế chỗ để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Một điều quan trọng nữa là các bộ, ngành liên quan phải hình thành nên một hệ thống thông tin thị trường cung cấp cho doanh nghiệp, kết nối thông tin cho tất cả những doanh nghiệp với người bán lẻ.
sản phẩm thiết bị nội thất sản xuất trong nước được trưng bày tại Siêu thị nội thất Văn Tứ (TP. Buôn Ma Thuột)
Chọn mua thiết bị nội thất sản xuất trong nước tại Siêu thị nội thất Văn Tứ (TP. Buôn Ma Thuột)    Ảnh: H.H
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng: Tình trạng hàng Việt tiêu thụ chậm, dư thừa nhiều không chỉ do thiếu mối liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối mà còn do chất lượng và giá thành chưa hợp lý, lại tập trung nhiều ở các đô thị lớn là khu vực phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, chưa bắt kịp với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng tại khu vực này. Thực tế cho thấy, một số sản phẩm Việt đã thành công trong việc xây dựng được uy tín bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Doanh số của các doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng rất tốt không chỉ vì các đợt khuyến mại mà do lòng tin của khách hàng ngày càng tăng lên. Do đó, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, trước hết phải là trách nhiệm của các doanh nghiệp, phát triển thị trường vào khu vực nào là tùy thuộc vào định hướng chiến lược phát triển và kinh doanh của từng doanh nghiệp. 

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Giai đoạn 1 của Chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương từ năm 2009 đến nay đã tổ chức 46 phiên chợ " Hàng Việt về nông thôn" với 132 doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 600 nghìn lượt  khách hàng, đạt doanh thu khoảng 31 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của Chương trình bắt đầu từ tháng 7-2010 với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ DN phát triển thị trường. Thời gian tới, chính sách quản lý sẽ theo hướng tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn, hạn chế hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Vì thế, Chính phủ đã có chương trình tăng cường quản lý thị trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc