Multimedia Đọc Báo in

Dịch heo tai xanh: Để người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt heo

07:17, 13/08/2010

Dak Lak tuy mới công bố dịch heo tai xanh nhưng do hiểu chưa đúng về loại bệnh này, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt heo khiến cả người chăn nuôi lẫn người bán thịt đều điêu đứng.

Sức tiêu thụ giảm
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hai huyện Krông Pak, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột có dịch heo tai xanh. Tuy bệnh này không lây trực tiếp cho người nhưng tâm lý người tiêu dùng đang rất e ngại dẫn đến hạn chế sử dụng thịt heo. Theo quan sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các quầy bán thịt heo đều vắng bóng người mua. Cô Nguyễn Thị Ngọc, người bán thịt heo tại chợ Tân Thành cho biết, từ khi có dịch sức mua giảm đến 50%, người tiêu dùng vẫn rất e dè và lựa chọn sản phẩm thay thế khác mặc dù sản phẩm thịt heo tại quầy của cô có dấu kiểm định của thú y. Cũng theo chị Lê Thị Nga bán thịt tại chợ Buôn Ma Thuột, hiện giờ các lò mổ rất vắng người lấy thịt heo, phải giảm đến 70% so với trước kia vì không bán được. Tại phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) sản phẩm thịt heo cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Một chị bán thịt tại chợ nhỏ gần UBND phường cho biết, bình quân mỗi ngày chị bán được 40-50 kg thịt, thế nhưng từ sáng đến trưa chỉ bán được hơn 10 kg, người dân cứ nghe đồn ăn thịt heo bị bệnh sẽ lây bệnh sang người nên hầu hết họ tẩy chay luôn thịt heo. Tại huyện Ea Kar, nơi bị dịch nặng nhất, tính đến ngày 9-8 có 177/238 thôn, buôn có dịch với 22.767 con heo bị bệnh (trong đó tiêu hủy 1.268 con) thì đến 80% lò mổ đóng cửa, tỷ lệ tiêu thụ ở các chợ cũng giảm đến 80%, rất nhiều chợ không còn thấy bóng dáng của thịt heo, giá thịt heo tại các chợ giảm còn 30.000 – 40.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, ngày nào loa phát thanh ở các thôn, buôn đều thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống bệnh heo tai xanh và những khuyến cáo đối với sản phẩm thịt heo. Tuy nhiên, do nhiều người dân ở đây là những người chứng kiến trực tiếp cảnh heo bị bệnh chết đem đi chôn, nên cũng đã ít nhiều ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của họ khi ăn thịt heo, vì vậy phần đông các bà nội trợ loại bỏ thịt heo ra khỏi bữa ăn gia đình. Tình trạng này đã kéo theo đàn lợn khỏe mạnh đến lứa xuất chuồng trong toàn tỉnh bị ứ đọng, lái buôn ép giá. Nếu bán được thì giá lại thấp hơn so với giá thành sản xuất nên các nông hộ, thậm chí là các trang trại có quy mô lớn đều lỗ nặng. Ông Nguyễn Trung Kiên (tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân) cho hay, gia đình nuôi 33 con, đến kỳ xuất chuồng thì gặp đợt dịch, lái buôn vào trả chỉ có 15.000 – 20.000 đồng/kg, nếu bán với giá này thì người chăn nuôi lỗ gần cả triệu đồng/con.

Hầu hết các quầy bán thịt heo ở chợ Tân Thành vắng bóng người mua.
Hầu hết các quầy bán thịt heo ở chợ Tân Thành vắng bóng người mua.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bệnh heo tai xanh là bệnh gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo do virus leylystad gây ra. Heo có thể chết sau 5-7 ngày vì suy giảm hệ miễn dịch, giống như trường hợp nhiễm HIV ở người. Bệnh chỉ lây từ heo sang heo và không lây sang người. Cục Thú y đã chính thức khẳng định, virus heo tai xanh không lây lan và gây bệnh ở người, nếu được nấu chín, thịt heo mắc bệnh tai xanh vẫn bảo đảm an toàn; các trường hợp bị bệnh là do ăn tiết canh và thịt sống của heo mang vi khuẩn liên cầu khuẩn. Trên thực tế bệnh liên cầu khuẩn và heo tai xanh ít có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tỏ ra hoang mang về chất lượng thịt heo và đã quay lưng với loại thực phẩm này. Đáng nói là ở một số vùng nông thôn, do nắm thông tin không chính xác nhiều người dân còn cho rằng ăn thịt heo bị tai xanh vào sẽ bị mắc bệnh tai xanh, hỏng ruột... Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương có dịch ngoài việc quyết liệt thực hiện các biện pháp chặn dịch tai xanh, cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh heo tai xanh, cách phân biệt thịt heo bảo đảm an toàn, sạch bệnh với thịt heo bị bệnh, nhằm tránh sự lo lắng thái quá, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo khuyến cáo của Cục Thú y, thịt heo là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, vì vậy không nên tẩy chay mà lưu ý chọn mua thịt heo tươi ngon, đã qua kiểm dịch, không nên ăn thịt heo sống hoặc chưa chín kỹ như nem chạo, nem chua, tiết canh, nội tạng... Đối với người giết mổ, cần đeo găng tay khi giết mổ, rửa sạch tay bằng xà phòng. Việc tẩy chay thịt heo không phải là biện pháp tốt để phòng tránh dịch bệnh mà quan trọng là người dân phải ý thức trong việc vệ sinh phòng bệnh, ăn chín uống sôi, chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Thiết nghĩ, để người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo, người chăn nuôi không phải lao đao trong mỗi đợt có dịch bệnh, đã đến lúc cần chú trọng đến việc tuyên truyền chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sạch.

Tính đến chiều 9-8, bệnh heo tai xanh đã lan ra 17 tỉnh, thành trong cả nước. 17 tỉnh, thành đã công bố có dịch heo tai xanh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vình Long, Khánh Hòa, Dak Lak và Hậu Giang. Còn TP. HCM và TP. Cần Thơ cũng đã phát hiện heo bị nhiễm bệnh tai xanh nhưng chưa công bố dịch.

Thuận Nguyễn



Ý kiến bạn đọc