Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drak: Nhiều hộ dân khốn đốn vì dịch bệnh heo tai xanh

11:38, 20/08/2010

Tính đến ngày 18-8, dịch bệnh heo tai xanh đã xảy ra ở 7/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện M’Drak gồm: Ea Pil, Cư Mta, Ea Riêng, Krông Jin, Ea Mhlay, Cư Króa và thị trấn M’Drak với tổng số 903 con heo bị mắc bệnh, trong đó 326 con đã chết.

Tại thị trấn M’Drak, nơi được phát hiện dịch heo tai xanh đầu tiên trên địa bàn huyện, đến nay đã có gần 400 con heo mắc bệnh, trong đó có 122 con đã chết. Các hộ gia đình đã kịp thời báo các ngành chức năng lập biên bản và cho tiêu hủy số heo chết, còn lại 235 con đang được cách ly theo dõi điều trị. Các hộ nuôi heo đang rất lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh. Thiệt hại do dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Tất Đường, ở thôn 8, thị trấn M’Drak có đàn heo nái mắc bệnh tai xanh vừa bị tiêu hủy cho biết: “Nuôi heo là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình tôi. Dịch bệnh xảy ra khiến đàn heo bị chết hết khiến gia đình chưa biết lấy tiền đâu để lo cho con trong khi năm học mới đã cận kề. Mong các cấp chính quyền đoàn thể sớm có chính sách hỗ trợ để giúp dân vượt qua khó khăn này”. Các hộ bán thịt heo tại chợ trung tâm thị trấn huyện M’Drak cũng đang khốn đốn vì dịch heo tai xanh. Các sạp bán thịt heo trước đây đông đúc là vậy, gần tháng nay một số sạp chuyển sang bán thịt bò, thịt chó và thịt gia cầm, một số chủ sạp nghỉ bán chờ hết dịch hoặc chuyển sang làm việc khác. Chị Lê Thị Hà, chủ một sạp bán thịt trong chợ than thở:  “Từ đầu tháng 8 đến nay, do tâm lý sợ dịch heo tai xanh, người dân đi chợ không mua thịt heo. Tôi phải chuyển sang bán thịt bò nhưng việc buôn bán cũng khó khăn vì giá thịt bò cao trên 70.000đ/kg nên sức tiêu thụ ít”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hải, Trưởng Trạm Thú y huyện M’Drak cho biết: Mặc dù dịch heo tai xanh trên địa bàn huyện M’Drak xảy ra muộn hơn so với các huyện lân cận như Ea Kar, Krông Pak… nhưng mức độ lây lan nhanh và có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp bởi M’Drak có nhiều tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh chạy qua; người dân chủ yếu còn chăn nuôi nhỏ lẻ…. Mặt khác, do ý thức phòng chống dịch của người dân chưa cao nên vẫn xảy ra tình trạng xác heo bệnh bị vất ở hai bên Quốc lộ 26 đoạn ráp ranh giữa xã Ea Trang với huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và đoạn tiếp giáp giữa xã Ea Tý (Ea Kar) với xã Ea Pil (M’Drak); cán bộ thú y cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên chưa giúp người dân phát hiện bệnh kịp thời, một số hộ chăn nuôi còn giấu bệnh để tiêu thụ heo đã mắc bệnh ra thị trường…

Trước tình hình đó, UBND huyện M’Drak đã có các cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành chức năng, chính quyền của 12 xã, thị trấn để kịp thời tìm giải pháp ứng phó, phòng, chống dịch heo tai xanh trên địa bàn, hạn chế thiệt hại của người dân. UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện và thú y cơ sở triển khai các biện phòng chống dịch, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; triển khai khoanh vùng dịch, không vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo ra, vào vùng có dịch; tiêu hủy heo chết, heo bị bệnh nặng theo sự hướng dẫn và giám sát của cán bộ thú y; hướng dẫn, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đối với heo chưa mắc bệnh; tiêu độc toàn bộ khu vực có dịch; chuẩn bị thuốc sát trùng, tiêu độc; kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, nghiêm cấm việc giết, mổ heo tại nhà, và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; các xã, thị trấn thành lập Hội đồng tiêu hủy để thực hiện công tác thống kê, cân đo, tiêu huỷ đúng theo hướng dẫn và chế độ hỗ trợ cho dân theo Quyết định 719 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiến Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.