Multimedia Đọc Báo in

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý: Nâng cao chất lượng phục vụ người sử dụng điện

09:33, 26/10/2010

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đến thời điểm này ngành Điện Dak Lak đã tiếp nhận 34 lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) do các tổ chức quản lý điện nông thôn (QLĐNT) bàn giao. Nhờ đó, người dân được mua điện theo giá quy định, được sử dụng điện an toàn chất lượng cao.

Từ chủ trương đúng
So với nhiều tỉnh, thành phố, việc bàn giao lưới điện HANT ở tỉnh ta diễn ra khá thuận lợi, nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức QLĐNT (công ty cổ phần và hợp tác xã). Đến thời điểm này, đã có 39 tổ chức QLĐNT không đủ điều kiện hoạt động hoàn tất hồ sơ bàn giao cho ngành Điện quản lý. Riêng 4 hợp tác xã (HTX) điện nông thôn đủ điều kiện gồm: HTX dịch vụ điện Ea Phê, HTX dịch vụ điện Ea Kuăng (huyện Krông Pak); HTX kinh doanh dịch vụ điện - nước M’Drak (huyện M’Drak) và HTX kinh doanh điện - nước Ea Kar (huyện Ea Kar) tiếp tục được hoạt động. Tuy nhiên, 4 HTX này phải ký cam kết bảo đảm cung cấp điện ổn định, chất lượng điện năng tốt hơn; đồng thời khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý, vận hành lưới điện.

Ông Trương Công Hồng, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết, ban đầu việc thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện HANT cho ngành Điện quản lý gặp rất nhiều trở ngại, nhất là đối với một số tổ chức QLĐNT còn “ăn nên làm ra”; mặt khác sau khi bàn giao sẽ có nhiều lao động thất nghiệp vì ngành Điện chỉ nhận bàn giao lưới điện, nhưng không sử dụng lao động của các tổ QLĐNT… Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức QLĐNT đã hiểu rõ những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý, vận hành và đặt những lợi ích người sử dụng điện lên trên nên đã đồng ý bàn giao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung có phương án sắp xếp việc làm ổn định đối với những lao động có tay nghề ở các tổ chức QLĐNT. Sự sẻ chia trách nhiệm về nhân sự của ngành Điện đã tháo được “nút thắt” trong việc bàn giao lưới điện HANT. Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ nhiệm HTX điện Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) nói, sau khi có chủ trương của Chính phủ, đơn vị đã phối hợp các cơ quan hữu quan đánh giá xác định tài sản, nhanh chóng bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực Dak Lak quản lý. Chủ trương này được người dân rất hoan nghênh, bởi chất lượng điện được cung cấp tốt hơn, giá điện theo đúng quy định của Nhà nước. Còn ông Nguyễn Hữu Trọng, Chủ nhiệm HTX điện Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ), đơn vị quản lý lưới điện có giá trị còn lại bàn giao gần 1,9 tỷ đồng theo Quyết định số 1275 ngày 25-5-2009 của UBND tỉnh như trút được gánh nặng: “Đến bây giờ mới thật sự ăn ngon ngủ yên. Trước đây, quản lý 50 km đường dây hạ thế, mỗi khi trời chuyển mưa sự lo lắng lại ập đến, vì phần lớn hệ thống đường dây không đảm bảo độ an toàn. Chưa hết, mỗi khi trời trở gió, nhiều hộp đựng đồng hồ đo đếm điện bỗng nhiên bốc cháy, gây hoang mang trong dân. Nguyên nhân là do, dây dẫn vào đồng hồ không được bọc cách điện, qua nhiều lần ma sát, mất an toàn”. Chính vì vậy, khi có chủ trương bàn giao lưới điện, HTX đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục. Song mong muốn lớn nhất của xã viên là ngành Điện sớm hoàn trả số vốn do HTX đã đầu tư vào hệ thống lưới điện theo giá trị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ông Trọng cho biết thêm, từ khi bàn giao lưới điện đến nay, HTX không còn hoạt động, tuy nhiên không thể tiến hành các thủ tục để tuyên bố giải thể, bởi liên quan đến tài chính và quyền lợi của xã viên chưa được giải quyết.

Sau khi bàn giao cho ngành Điện quản lý, lưới điện hạ áp nông thôn tại xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) đã được cải tạo, nâng cấp.
Sau khi bàn giao cho ngành Điện quản lý, lưới điện hạ áp nông thôn tại xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) đã được cải tạo, nâng cấp.

Sẻ chia cùng  ngành Điện
Theo ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Điện lực Dak Lak, cùng một lúc phải tiếp nhận nhiều lưới điện (HANT) đã tạo áp lực rất lớn đối với đơn vị tiếp nhận. Trong khi đó, sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã tập trung cải tạo, nâng cấp lưới điện để bảo đảm an toàn và giảm tổn thất điện năng. Ngành Điện sẽ phải đầu tư tối thiểu 241 tỷ 738 triệu đồng để thay thế 692 km đường dây trung, hạ áp; 61 trạm biến áp, với dung lượng 8905 KVA; lắp đặt mới 55.000 công tơ đo đếm điện. Do đó, “một sớm một chiều” rất khó có thể hoàn trả vốn đầu tư sau khi bàn giao lưới điện cho các tổ chức QLĐNT. Song ngành Điện đã ưu tiên hoàn trả vốn cho những đơn vị có liên quan trực tiếp đến chế độ của công nhân, người lao động. Cụ thể, tháng 9 - 2010, Công ty Điện lực Dak Lak đã hoàn trả cho Công ty Cổ phần kinh doanh điện Krông Ana 3,1 tỷ đồng. Đối với những HTX quản lý điện còn lại, ngành Điện sẽ hoàn trả trong thời gian 3 năm (từ 2010 - 2012) theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 3-2-2010 của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh ta, nhiều lưới điện sau khi định giá tài sản, số tiền hoàn trả dưới 50 triệu đồng, nên Công ty  Điện lực Dak Lak đã có văn bản xin ý kiến của Tổng Công ty Điện lực miền Trung sẽ hoàn trả vốn đầu tư một lần trong năm 2010 (gồm: 11 HTX và 1 cá nhân, với tổng số tiền gần 254 triệu đồng). Ông Lê Hoài Nhơn cho biết thêm, đơn vị cũng đã đề nghị Tổng Công ty hoàn trả gần 5,5 tỷ đồng trong 3 năm  từ 2010-2012 cho cả 2 lưới điện trung, hạ áp mà các tổ chức QLĐNT đã bàn giao. Theo đó, năm 2010 giá trị hoàn trả gần 4,9 tỷ đồng (trong đó, đã hoàn trả 3,1 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần kinh doanh điện Krông Ana); năm 2011: 2,3 tỷ đồng và năm 2012: 1,4 tỷ đồng.

Việc cải tạo, nâng cấp lưới điện HANT là việc làm cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân. Mục tiêu này sớm đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào sự sẻ chia của tất cả mọi người, nhất là từ xã viên HTX quản lý điện nông thôn.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc