Multimedia Đọc Báo in

Trồng cao su liên kết - cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

11:06, 10/10/2010

Trong những năm qua, Nông trường Cao su (NTCS) Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã thực hiện việc liên kết với người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) đang sinh sống trên địa bàn trồng cây cao su. Đến nay, vườn cây đã đưa vào khai thác, nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, đời sống ngày một khấm khá.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kể từ năm 1997 đến nay NTCS Cư M’gar thuộc Công ty Cao su Dak Lak, đứng chân trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã liên kết với hơn 370 hộ dân trên địa bàn 4 xã Ea Kpam, Ea Tul, Cư M’gar, Ea M’Droh và thị trấn Quảng Phú trồng hơn 1.286 ha cao su liên kết (trong tổng số 2.700 ha Nông trường quản lý). Qua nhiều năm, đến nay các vườn cây đã đưa vào khai thác và đời sống của người dân nơi đây đang dần được cải thiện, trên 80% hộ gia đình có cuộc sống ổn định.

Ông Đặng Quang Trung, Phó Giám đốc NTCS Cư M’gar cho biết, tùy theo sự phân bố đất đai trên từng địa bàn và khả năng lao động từng hộ gia đình, mỗi hộ dân liên kết với Nông trường trồng từ 1 đến 20 ha cao su. Để thực hiện thành công việc liên kết giữa Nông trường và người dân, Ban Giám đốc Nông trường thường xuyên đôn đốc cán bộ xuống tận vườn cây hướng dẫn bà con việc chăm sóc, kỹ thuật thâm canh... Ngoài ra, Nông trường còn cấp vốn, vật tư nông nghiệp, phân bón và các nhu yếu phẩm cần thiết. Đến thời kỳ vườn cây đưa vào khai thác, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn bà con cạo mủ đúng quy trình và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Thu mua mủ cao su ngay tại vườn cây của người dân.
Thu mua mủ cao su ngay tại vườn cây của người dân.

Bằng hình thức sản xuất liên kết, NTCS Cư M’gar đã và đang tạo thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân, người dân sẽ phải trả lại vốn đầu tư cho Nông trường trong vòng 13 năm (bắt đầu từ năm thứ 10, sau khi vườn cây đưa vào khai thác được 3 năm). Với giá bán sản phẩm như hiện nay, không ít hộ trồng cao su liên kết sẽ có thu nhập từ 100 đến trên 300 triệu đồng/năm, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số trong huyện nhờ phát triển cao su liên kết, kinh tế gia đình khá hẳn, tiêu biểu như gia đình Ama Thêm. Anh Ama Thêm cho biết, vào những năm đầu của thập niên 90, nhận thấy diện tích đất đai bỏ hoang trong xã nhiều, cây lúa nước không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, được sự khuyến khích của cán bộ Nông trường nên anh đã mạnh dạn phá bỏ hơn 30 ha lúa nước để trồng cao su. Nông trường cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn tận tình, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây nên hơn 30 ha cao su của gia đình phát triển tốt và hiện nay toàn bộ diện tích đã đưa vào khai thác mủ; năng suất có thể đạt từ 1,1 đến trên 1,8 tấn mủ khô/ha. Mỗi năm thu nhập gia đình hơn 50 triệu đồng/ha; ngoài ra còn giải quyết việc làm cho lao động trong buôn với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây nhiều hộ khác trong buôn cũng mạnh dạn liên kết với Nông trường trồng cao su với diện tích ngày một tăng, như hộ gia đình Ama Troen (buôn Kna A, xã Cư M’gar) trồng hơn 8 ha; Ama Me trồng hơn 7 ha: Ama Tylen (buôn Dao, xã Ea Tul) trồng hơn 10 ha… Nhiều người dân cho biết, cao su là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, dễ chăm sóc mà không tốn nhiều công sức (mỗi năm chỉ cần 2 lần bón phân, mùa khô không cần tưới nước…). Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì chất lượng và trữ lượng mủ cao su ở Dak Lak sẽ không kém so với các vùng chuyên canh ở Đông Nam Bộ. Đặc biệt, thuận lợi cho người dân trong việc liên kết phát triển cao su là sản phẩm mủ sau khi khai thác sẽ được Nông trường cho xe tới tận vườn thu mua nên người dân có thể yên tâm sản xuất mà không cần lo vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Được biết, từ năm 2006 đến năm 2009, NTCS Cư M’gar đã thu mua của nông dân hơn 5.000 tấn mủ (quy đổi mủ khô), vượt 15% kế hoạch.

Ông Lê Phước Thảo, Giám đốc NTCS Cư M’gar nhấn mạnh: Liên kết trồng cao su giữa người dân và NTCS không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện cuộc sống người dân mà còn khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nguồn vốn và lao động tại chỗ, mở hướng làm giàu cho nông dân, góp phần vào sự  phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc