Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ đổi đời từ ba ba gai

06:29, 30/11/2010

Khoảng 10 năm về trước, người dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) vẫn sống trong cảnh khó khăn, đói nghèo và lạc hậu. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu ăn nên làm ra, có của ăn của để nhờ phong trào nuôi ba ba gai và giấc mơ đổi đời từ loại động vật này đang nằm trong tầm tay.

n
Người dân xã Quảng Điền vui mừng với những con ba ba khỏe mạnh.

Chúng tôi ghé thăm trang trại nuôi ba ba gai của anh Huỳnh Đức Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền - người khởi xướng mô hình nuôi ba ba gai đầu tiên (năm 2002) với quy mô lớn nhất xã. Anh tâm sự: Trước kia vợ chồng anh phải đi làm thuê, cuốc mướn nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cơ duyên đến với anh là trong 1 lần đi rừng, thấy một số bà con dân tộc thiểu số bắt được ba ba đem ra chợ bán với giá 200.000 đồng/kg nên trong đầu anh xuất hiện ý nghĩ, tại sao không thử nuôi ba ba khi mình có nhiều lợi thế về diện tích mặt nước và nguồn thức ăn. Thế rồi, anh tự tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba ở các trang trại trong, ngoài tỉnh và bằng số tiền vốn tích góp được anh đầu tư xây dựng 4 ao nuôi ba ba, với diện tích 20m2/ao và mua hơn 40 con giống ba ba gai về nuôi. Ban đầu kinh nghiệm nuôi chưa có nên ba ba của anh chậm lớn, khó bán nhưng với quyết tâm làm giàu, anh dành nhiều thời gian đọc sách, báo và đi tham quan các mô hình chăn nuôi ba ba tại các tỉnh miền Tây. Trời không phụ lòng người, vượt qua giai đoạn khó khăn anh đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích. Anh cho biết, ba ba gai có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, chất lượng thịt dinh dưỡng cao và thích nghi với môi trường nơi đây nên chỉ 10 tháng đã cân nặng hơn 1kg (ở các tỉnh miền Tây ba ba gai nuôi hơn 1 năm mới có trọng lượng 1kg). Và để tạo nguồn thức ăn phong phú cho ba ba, anh thường xuyên thay đổi khẩu phần và thức ăn từ giun đất, ốc bươu vàng, ruột lợn đến các loại cá nhỏ (trung bình ba ba ăn hai lần/ngày)… Nhờ đó, ba ba gai của gia đình anh không ngừng tăng lên và cho tiêu thụ đều đặn. Hiện, 4 ao nhà anh Quốc có hơn 1.000 con ba ba (mỗi con trọng lượng khoảng 1kg) và 40 cặp sinh sản. Mỗi đợt anh bán vài chục con ba ba thương phẩm và ba ba giống, với giá bán hiện nay 202.000/kg (loại 1kg), 270-280.000/kg (loại từ 1,5 kg trở lên) thì có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Số tiền trên lại tiếp tục đầu tư tái sản xuất và lo cho các con ăn học, xây dựng nhà cửa. Không chỉ tự làm giàu cho gia đình mình anh còn cung cấp con giống cho bà con trong xã. Anh cho biết, tỷ lệ trứng ấp nở luôn đạt trên 80%, mỗi con ba ba cái có thể đẻ từ 25-30 trứng/lần và sau ít năm chỉ cần thay ba ba đực để tránh hiện tượng thuần huyết.
Anh Huỳnh Đức Quốc đang giới thiệu về những con giống do anh tự ấp.
Anh Huỳnh Đức Quốc đang giới thiệu về những con giống do anh tự ấp.

Nhờ nuôi ba ba gai nên đời sống nông dân trong xã ngày một cải thiện, thay đổi hẳn. Nhiều hộ dân từ chỗ khó khăn nay nhờ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nuôi ba ba gai nên kinh tế ngày một khấm khá như gia đình anh Dương Văn Đà (thôn 1), trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ mạnh dạn đầu tư  nuôi ba ba nên không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hiện tại, gia đình anh có 4 ao nuôi, với diện tích sử dụng khoảng 80m2, có 40 cặp đang trong thời gian sinh sản và gần 500 con sắp đến thời gian xuất ao. Ước tính với 500 con ba ba thịt, anh có thể thu hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Đà cho biết, nuôi ba ba gai sẽ cho lãi trên 70% số vốn đầu tư ban đầu, lại giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Trong quá trình nuôi, điều quan trọng là phải bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ, nếu lớp cát đáy ao bẩn cần được thay lớp cát mới, sạch (mỗi tuần phải thay nước 1 lần), phải có bãi cát riêng để mùa nóng ba ba trèo lên nằm, mùa đông khi trời mưa gió thì phải có hầm cho ba ba tránh rét, vì ba ba là loài động vật biến nhiệt, sinh trưởng và phát triển trong tiết trời ấm áp.

Đây là xu hướng nuôi mới mang lại lợi nhuận cao cho người dân xã Quảng Điền, nhưng nếu nhân rộng mô hình này thì sẽ gặp khó khăn vì chưa ai được tập huấn kỹ thuật một cách bài bản. Bên cạnh đó, Krông Ana từ trước đến nay là vùng trũng thấp, thường xuyên ngập lụt nên ao nuôi phải xây trên cao.

Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc