Lãi suất tiết kiệm “dậy sóng”
Trong cuộc họp ngày 5-11-2010 tại Hà Nội, các ngân hàng (NH) đã thống nhất từ ngày 8-11 nâng lãi suất huy động đồng Việt Nam lên không quá 12%/năm. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tiền tệ những ngày gần đây cho thấy, mức lãi suất 12%/năm đã “lạc hậu”…
Hiện tại, nhiều NH đã công bố mức lãi suất huy động đồng Việt Nam cao hơn 12%/năm. Chẳng hạn, sản phẩm tiết kiệm “lãi suất cao nhất” của NH TMCP Hàng Hải Việt Nam có mức lãi suất đến 13,5%/năm đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng; các kỳ hạn 1, 4, 5, và 6 tháng có mức lãi suất từ 12,7% đến 13,3%. Không đứng ngoài cuộc, NH TMCP Đông Nam Á (SeAbank) cũng có sản phẩm “Tiết kiệm 36 tháng lãi suất thả nổi – SeASave Floating”. Với sản phẩm này, khách hàng có thể chọn kỳ lĩnh lãi từ 1, 2, 3, 6 và 12 tháng tại thời điểm mở sổ; lãi suất được tính tăng dần theo số dư tiền gửi và kỳ lĩnh lãi của khách hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể tất toán trước hạn mà vẫn được hưởng nguyên lãi suất khi để tròn kỳ lĩnh lãi. SeAbank dẫn ví dụ, khách hàng gửi 100 triệu đồng và chọn kỳ hạn lĩnh lãi là 1 tháng với lãi suất 13%/năm, nếu khách hàng mới gửi được 1 tháng và cần tất toán thì vẫn được hưởng nguyên lãi suất 13%/năm chứ không phải chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn như một số sản phẩm tiết kiệm khác. Hiện biểu lãi suất huy động đồng Việt Nam đối với sản phẩm này cao nhất là 13%/năm. Ngoài ra, khách hàng gửi tiền theo sản phẩm được tham gia chương trình tiết kiệm “1.000 năm Thăng Long – Rồng vàng gõ cửa” với 20.000 phần quà hấp dẫn; tham gia chương trình quay số trúng vàng và được tặng thẻ mua hàng có giá trị tương đương với lãi suất 1,4%. Tại NH TMCP Kiên Long có sản phẩm tiền gửi bậc thang đồng Việt Nam dành cho khách hàng cá nhân; lĩnh lãi cuối kỳ; lãi suất dao động từ 12,8%/năm đến 13,40%, tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi.
Các NH rầm rộ quảng cáo lãi suất huy động. |
Lãnh đạo nhiều NH cho biết, điều đáng quan tâm hơn cả mức lãi suất huy động vượt trần đồng thuận, đó là tình trạng giao dịch ngầm, NH sẵn sàng trả cho khách hàng mức lãi suất cao hơn thực tế bằng hình thức “lì xì” tiền mặt, tặng lãi suất…. Chúng tôi cũng đã thử gọi điện thoại đến một số NH đề nghị tư vấn chọn sản phẩm tiết kiệm liền được các NH chào mời bằng cách xin số điện thoại để liên lạc, mời đến NH để đàm phán lãi suất. Qua điện thoại, nhân viên một chi nhánh NH TMCP cho biết, lãi suất bình thường của chi nhánh là 12%/năm; lãi suất tiết kiệm bậc thang là 13%/năm (kỳ hạn 1 tháng), 13,4%/năm (kỳ hạn 3 tháng) cộng với “ưu đãi khác”. Nhân viên này còn đề nghị chúng tôi đến NH để được tư vấn cặn kẽ bởi nói chuyện qua điện thoại không tiện! Cán bộ một NHTM Nhà nước cho biết, tình trạng lén lút mặc cả với khách hàng về mức lãi suất thực tế đã và đang gây ra những xáo trộn trên thị trường tiền tệ, đồng thời gây bất bình đẳng giữa các NH với nhau. Theo vị cán bộ này, chi nhánh của ông là NHTM Nhà nước, không thể “dấm dúi” tặng tiền hoặc lãi suất cho khách hàng vượt mức đã cam kết nên ảnh hưởng xấu đến kết quả huy động. Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn chừng nửa tháng qua, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại chi nhánh đã giảm mất mấy chục tỷ đồng. Một số khách hàng đến đề nghị chi nhánh nâng lãi suất hoặc tặng tiền mặt nhưng không được chi nhánh đồng ý đã rút vốn trước hạn, chuyển sang gửi ở các NH có mức lãi suất cao hơn.
Sức chịu đựng là có hạn. Đến một lúc nào đấy, nếu chỉ vì tôn trọng đồng thuận khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, mà rõ nhất là nguồn vốn huy động cứ giảm dần thì các NH sẽ tìm cách “lách” đồng thuận để giữ khách. Nếu dòng chảy này tiếp diễn, rủi ro tích lũy khi mất cân đối trong cơ cấu vốn và thanh khoản là vấn đề đáng lo ngại. Rộng hơn, nguồn vốn trong hệ thống NH có sự chạy lòng vòng và xáo trộn mà ảnh hưởng của nó là khó lường. Đây cũng là nguồn gốc dẫn tới những rủi ro về mặt đạo đức mà các NH cũng khó có thể lường hết. “Khi việc không minh bạch được tiến hành ở quy mô lớn thì những rủi ro cũng sẽ là rất lớn”, một cán bộ NH nhận định.
Ý kiến bạn đọc