Multimedia Đọc Báo in

Thất thoát điện năng: TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

10:22, 29/11/2010

Mặc dù đã tiến hành bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý gần 6 tháng, nhưng đến nay, Ban  quản lý điện Trạm biến áp T16 (xã Ea Tiêu, Cư Kuin) vẫn chưa thanh toán hết số nợ tồn đọng. Vậy đâu là nguyên do dẫn đến tình trạng nợ đọng bị kéo dài tại địa bàn này?

Trăm dâu đổ... đầu dân
Theo chúng tôi tìm hiểu, từ tháng 5-2010, Ban quản lý điện Trạm biến áp T16 (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Việt Thắng) đã hoàn tất thủ tục bàn giao lưới điện cho Điện lực Cư Kuin quản lý. Thế nhưng, tính đến ngày 12-5-2010, vẫn còn 335 khách hàng thuộc thôn 6 và 7 đang nợ 31.000 KWh tương ứng với số tiền trên 19 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, số nợ đọng còn lại mà Ban quản lý điện Trạm biến áp T16 phải thanh toán cho Điện lực Cư Kuin trên 8 triệu đồng, nhưng các hộ dân vẫn chưa nộp tiền do đơn vị này nâng giá điện cao hơn giá bình thường. Anh N.Đ.X, người dân thôn 6, bức xúc: Các tháng trước, gia đình anh chỉ phải trả tiền điện với giá dao động từ 800 đến 1.000 đồng/KWh, nhưng trong tháng 5, giá điện bị đẩy lên gấp rưỡi, gần 1.500 đồng/KWh. Trong tháng đó, gia đình anh dùng hết 46KWh, phải trả số tiền 67.000 đồng, do không rõ ràng về giá điện nên gia đình anh vẫn chưa thanh toán cho tổ quản lý. Tương tự, gia đình anh V.V.Đ, phải trả tiền điện với giá gần 2.000 đồng/KWh. Theo anh, việc tăng giá điện lên gấp đôi của tổ quản lý điện như vậy là quá vô lý, không có cơ sở.

Mặt khác, các tổ quản lý điện khi đi thu tiền các hộ dân chỉ thông báo số tiền phải đóng, trong khi đó họ thắc mắc về số KWh điện tiêu thụ lại không nói rõ là bao nhiêu. Anh N.H.H, thôn 6 cho biết, khi tổ quản lý điện đến gia đình anh thu tiền khoảng 46.000 đồng, anh đã đề nghị cho xem số KWh mà gia đình anh dùng trong tháng 5 là bao nhiêu thì nhân viên bảo là không có, chỉ cần thông báo số tiền là được.

Hệ thống điện phục vụ Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh: N.S)
Hệ thống điện phục vụ Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh: N.S)


Lý giải chưa thuyết phục
Theo ông Hồ Xuân Tùy, người được Công ty Cà phê Việt Thắng ủy nhiệm quản lý Trạm biến áp T16 hơn 10 năm nay, sở dĩ các tổ quản lý điện phải tăng giá lên cao vì lượng điện năng thất thoát nhiều. Đó là lý do mà ngành Điện đưa ra để tăng giá điện cho việc bù lỗ, trong khi đó, khoản tiền bù lỗ ấy chủ yếu do thất thoát điện, quản lý kinh doanh kém hiệu quả của ngành. Sự kém hiệu quả ấy đã làm cho giá thành điện tăng lên, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Ông Tùy còn lý giải rằng, hiện tượng ăn cắp điện xảy ra thường xuyên nên tổ không thể kiểm soát được. Nếu viện lý do thất thoát điện do ăn cắp thì tại sao tổ không cử người thường xuyên đi kiểm tra để hạn chế hiện tượng đó. Được biết, từ khi tiếp nhận lưới điện Trạm biến áp T16 đến nay, hệ thống đường dây đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không được bổ sung, thay mới dẫn đến lượng điện thất thoát là không tránh khỏi. Suy cho cùng, nguyên nhân chính vẫn là do thất thoát điện năng, nhưng tại sao mọi trách nhiệm lại bắt người dân phải gánh chịu?

Anh Tô Viết Toàn, quản lý điện tại thôn 6 phân tích, cụm dân cư nào xa khu vực Trạm biến áp thì cụm đó phải trả tiền điện với giá cao hơn, do đường dây kéo dài, thất thoát lớn. Như vậy, chỉ trong một khu dân cư nhỏ, nhưng giá điện có sự chênh lệch chỉ vì khác nhau về khoảng cách đường dây. Sau khi các tổ đưa hóa đơn thanh toán điện đến các hộ dân thì bị người dân phản đối. Để ứng phó với tình hình đó, đối với các hộ đã đóng tiền điện tháng 5 với giá gần 2.000 đồng/KWh, các tổ đã trả lại tiền, sau đó họp dân và hạ xuống còn 1.450 đồng/KWh. Mặc dù đã hạ giá xuống, nhưng đó vẫn là mức cao nên còn nhiều hộ dân không chịu thanh toán tiền điện.

Theo Thông tư số 08/2010/TT-BCT, ngày 24-2-2010 của Bộ Công thương về biểu giá điện bán lẻ năm 2010 cụ thể như sau, 50KWh đầu tiên (giá 600 đồng), từ 51KWh đến 100KWh (giá 1.004 đồng)… và từ 401KWh trở lên giá bán 1.890 đồng. Như vậy, theo bảng giá trên, những hộ nào sử dụng trên 400KWh mới phải trả tiền điện với giá xấp xỉ 1.900 đồng/KWh, trong khi đó các hộ dân ở khu vực này, mặc dù có hộ chỉ dùng 30KWh như hộ anh V.V.Đ cũng phải trả với giá cao ngất ngưởng gần 2.000 đồng/KWh. 

Ông Bùi Khắc Dũng, Giám đốc Điện lực Cư Kuin cho biết, nếu trong thời gian tới, Ban quản lý điện Trạm biến áp T16 không thanh toán dứt điểm số nợ đọng còn lại, thì chúng tôi sẽ gửi đơn kiện lên Điện lực Dak Lak để có hướng giải quyết.

Tổn thất điện ở nước ta ngày nay có thể nói là rất lớn. Chưa có một cơ quan có thẩm quyền và khách quan nào đứng ra tổ chức kiểm tra việc lãng phí và thất thoát điện trong cả nước. Do hệ thống lưới điện ở nước ta cũ kỹ, chắp vá, đặc biệt là ở những thành phố lớn, nên tổn thất điện năng rất lớn, thường từ 20-35% (cứ làm ra 100KWh điện thì thất thoát 30KWh). Một số mạng điện xây dựng sơ sài, tạm bợ ở khu vực nông thôn thì tổn thất điện còn lớn hơn…
Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc