Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó để có... mùa vàng ngô lai

10:07, 09/11/2010
Vượt qua đợt khô hạn gay gắt ở đầu vụ hè thu 2010, cùng với nhiều loại cây trồng, cây ngô đã có một vụ mùa thắng lợi lớn, không những năng suất cao mà giá cũng tăng. Nhiều nơi xem đây là mùa vàng của địa phương.
 
Được mùa ngô lai

Hạn hán gay gắt ngay từ đầu vụ, mãi đến tháng 6 mưa mới bắt đầu xuất hiện nhưng lượng mưa nhỏ, không đủ “giải khát” cho các loại cây trồng. Giữa tháng 6 và đầu tháng 7 hạn càng nặng hơn, nguy hiểm nhất là nhiều hồ, đập trong khu vực mất khả năng cung ứng nước, khiến cho 9.000 ha lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh bị hạn nặng, trong đó có 7.500 ha hoa màu phải gieo trồng lại, chủ yếu là ngô. Nông dân các địa phương bị hạn nặng như Krông Pak, Ea Kar, Cư M’gar... phải huy động tất cả các phương tiện máy móc để bơm nước cứu ngô. Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 thì mưa về, lượng mưa đều đã cứu cây ngô qua khỏi cơn đại hạn. Theo thống kê của Sở NN-PTNT thì vụ hè thu 2010, năng suất ngô vượt ngoài mong đợi. Với diện tích toàn tỉnh 74.500 ha, năng suất trung bình từ 5,5 - 6 tấn/ha, cao hơn vụ hè thu năm trước khoảng 3-4 tạ/ha, toàn tỉnh đạt sản lượng trên 400.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Pak. Thêm một yếu tố nữa tạo nên thắng lợi cho cây ngô là nông dân các địa phương đã đưa vào gieo trồng đại trà các giống ngô lai mới như LVN 10, NK 46, NK 54, DK 888, G 49... thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Pak, Krông Bông đã thâm canh tốt nên đạt năng suất từ 7 - 8 tấn/ha. Điều làm bà con vui mừng nhất là giá ngô năm nay lên cao, từ 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg (hạt tươi), tăng trên 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân Dak Lak trong mùa thu hoạch ngô hè thu 2010. (Ảnh: Lê Hương)
Nông dân Dak Lak trong mùa thu hoạch ngô hè thu 2010. (Ảnh: Lê Hương)
Ama Duy ở buôn Khanh, xã Cư Pui (Krông Bông) phấn khởi:  “Vụ ngô vừa rồi gia đình mình làm 2 ha, thu được 18 tấn tươi, cao gần gấp đôi năm ngoái. Với giá hiện tại, trừ chi phí gia đình thu được gần 60 triệu đồng. Hầu hết các gia đình trong buôn vụ này đều được mùa, có gia đình thu được 40 tấn.” Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết, là một trong những địa phương có diện tích ngô lớn nhất tỉnh với 8.700 ha, đợt hạn đầu vụ đã khiến 620 ha phải xuống giống lại, tuy nhiên thời tiết sau đó trở nên thuận lợi, mưa đều trên diện rộng nên cây ngô phát triển tốt. Thêm vào đó, trình độ thâm canh của nông dân cũng được nâng lên, người dân đã nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh hại trên cây trồng, đồng thời họ đã quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn những loại giống cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất.
 
Cần một chiến lược phát triển bền vững

Dak Lak là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng ngô lai lớn nhất nước, mỗi năm trên 120.000 ha với sản lượng 591.000 tấn ngô hạt trở lên. Cây ngô được gieo trồng trong cả 3 vụ: đông xuân, hè thu, thu đông, trong đó, vụ hè thu có diện tích nhiều nhất.
NIềm vui được mùa của gia đình ông Ama Duy ở buôn
NIềm vui được mùa của gia đình ông Ama Duy ở buôn Khanh, xã Cư pui
Tuy nhiên, sản xuất ngô trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa mang tính bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT, hiện phần lớn diện tích trồng ngô chủ yếu ở các vùng đất có độ dốc lớn, không chủ động được nước tưới, ít thâm canh, diện tích canh tác còn nhỏ lẻ. Do vậy, năng suất ngô vẫn chưa cao, thiếu ổn định. Ngoài ra, nguồn cung ứng giống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là của các đơn vị giống nước ngoài, bộ giống ngô nội còn quá ít, mới chỉ có vài giống ngô LVN của Viện nghiên cứu Ngô, vì vậy giá giống thường bị đẩy lên quá cao trong khi đầu ra lại không tăng, gây tâm lý chán nản cho nhiều nông dân. Mặt khác, tình trạng thất thoát sau thu hoạch do thiếu sự quan tâm đến công tác bảo quản cũng ảnh hưởng đến cả sản lượng lẫn chất lượng. Nếu như bình quân cả nước tỷ lệ thất thoát khoảng 13 – 15% thì tại Dak Lak tỷ lệ này là 20 - 25%. Nguyên nhân là do thời điểm thu hoạch ngô thường vào mùa mưa, người dân không có đủ điều kiện về máy móc, kho dự trữ để phơi sấy, bảo quản, lò sấy cũng còn quá ít chưa đáp ứng được nhu cầu. Để cây ngô phát triển bền vững và trở thành cây xóa nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỉnh cần có chiến lược phát triển lâu dài cho cây ngô, trong đó quan tâm đến việc phát triển các nhà máy chế biến… Đồng thời, các viện nghiên cứu cũng như đơn vị kinh doanh giống cần đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất hạt lai F1 tại địa phương, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn giống với giá cả phải chăng.

Thuận Nguyễn - Lê Hương

Ý kiến bạn đọc