Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi kết hợp xây hầm biogas - mô hình tiện ích

16:59, 30/12/2011

Nhiều năm nay, để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas. Đây là một giải pháp vừa thiết thực, vừa hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi.

Thân thiện với môi trường
Theo thống kê của UBND xã Ea M’nang, hiện tại địa phương có hơn 300 hộ chăn nuôi heo, gà, trâu, bò… với số lượng hàng nghìn con. Do vậy, lượng chất thải ra môi trường hằng năm là rất lớn, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Nhằm khắc phục tình trạng này, từ năm 2005, xã đã có chủ trương, khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống hầm biogas bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách - Xã hội là 4 triệu đồng/hộ. Đến năm 2010, các hộ đăng ký làm hầm biogas còn được hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hà Lan.

Trong các mô hình chăn nuôi ở xã Ea M’nang, thì phần lớn các hộ nuôi heo, gà; do đó, vấn đề xử lý phân và nước thải rất được chú trọng. Một trong những trang trại nuôi heo đã lâu và lớn nhất của địa phương là anh Phạm Hưng Bảy (thôn 1A), với gần 500 con heo thịt và heo đẻ. Trước đây, anh luôn quan tâm, trăn trở làm sao để giữ vệ sinh môi trường xung quanh trang trại không bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến mọi người. Năm 2005, khi Hội Nông dân xã vận động bà con xây dựng hầm biogas, anh đã tích cực hưởng ứng và thực hiện. “Nhờ xây dựng hầm biogas, trang trại nuôi heo của gia đình tôi đã giảm ô nhiễm đáng kể, người dân sống quanh khu vực cũng không còn phàn nàn vì mùi hôi bốc lên vào những ngày trời nắng gắt nữa”, anh Bảy chia sẻ.

Với ý thức giữ vệ sinh môi trường xung quanh, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ của xã Ea M’nang đang đúc rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để tìm hướng đi cho thích hợp. Nhiều chủ trang trại ngoài việc bố trí khu ở thông thoáng, khu vực chứa thức ăn gia súc, gia cầm cũng để cao ráo, gọn gàng còn xây dựng hệ thống hầm biogas. Theo phần đông các hộ chăn nuôi, yếu tố môi trường sạch sẽ là sự đầu tư có hiệu quả lâu dài , là “động lực” để họ say mê phát triển kinh tế theo mô hình trang trại bên cạnh yếu tố lợi nhuận. Trong chăn nuôi, nếu chuồng trại được bảo đảm, vệ sinh sạch sẽ thì bệnh dịch cũng hạn chế nhiều. Do vậy, biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi vẫn là sạch dần từ các khâu nhỏ nhất đến việc xây dựng hệ thống hầm biogas. Hơn 8 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Bông (thôn 1B) đã đầu tư vào việc chăn nuôi  heo và gà. Hiện tại, trang trại của anh có gần 100 con heo và hơn 100 con gà. Khi thấy các hộ chăn nuôi khác xây dựng hệ thống hầm biogas có hiệu quả, từ đầu năm 2010, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA (1,2 triệu đồng) và vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện (4 triệu đồng) anh đã xây dựng hệ thống hầm biogas với thể tích 8 khối. Từ khi có hệ thống hầm này, trang trại của anh không còn gây ô nhiễm cho gia đình và các hộ dân xung quanh, đàn heo và gà cũng phát triển tốt. “Trong đợt dịch heo tai xanh vừa rồi, trang trại của tôi nhờ bảo đảm vệ sinh nên không bị thiệt hại là mấy”, anh Bông phấn khởi nói.

Từ hệ thống hầm biogas, trang trạng của anh Bông không còn ô nhiễm.
Từ hệ thống hầm biogas, trang trạng của anh Bông không còn ô nhiễm.

Nguồn năng lượng lớn
Theo các nhà khoa học, nếu chăn nuôi từ 5 – 10 con heo thì khi xây dựng hầm biogas với thể tích 5m3, mỗi ngày sẽ phân hủy khoảng 20 kg phân, tạo thành 0,9m3 gas đốt, giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được một lượng củi (hoặc ga) sử dụng trong nấu ăn và sinh hoạt gia đình (khoảng 150.000 đồng/tháng). Bên cạnh đó, mô hình hầm biogas còn giải phóng được nhiều sức lao động, đồng thời tận dụng phụ phẩm khí sinh học làm phân bón, tưới cho cây trồng, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn, vừa tăng năng suất cây trồng, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Từ trang trại nuôi heo, gà với số lượng lớn của chị Lê Thị Kiều (thôn 1B), có thể cung cấp chất đốt và điện thắp sáng cho khoảng  2 đến 3 hộ gia đình mà chỉ tốn hơn 5 triệu đồng để xây dựng hệ thống hầm biogas. Điều đáng nói là vấn đề ô nhiễm môi trường không còn đáng lo ngại nữa. 

Với gia đình chị Hồ Thị Xuân Hương (thôn 1B), từ đầu năm 2010 đến nay, đều sử dụng nguồn năng lượng từ hầm biogas để làm chất đốt và điện thắp sáng hằng ngày. Trước đây, mỗi tháng gia đình chị phải trả chi phí tiền điện, ga gần 300.000 đồng, nhưng từ khi sử dụng hệ thống hầm biogas thì chị có thể sử dụng điện, ga thoải mái mà không mất tiền. Bên cạnh đó, có thể dùng phân trong hầm kết hợp với vỏ cà phê để bón cho cây trồng, và dùng nước thải để tưới cây. Chị Hương cho biết thêm, với giá ga cao như hiện nay, thì các hộ chăn nuôi nên làm hầm biogas để tận dụng phân thải làm chất đốt sẽ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt rất nhiều. Không riêng gì gia đình chị Hương, mà hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Ea M’nang đều nhận thức được nhiều lợi ích từ việc xây dựng hệ thống hầm biogas. Hiện tại, đã có hơn 80 hộ chăn nuôi làm hầm bogas, riêng trong năm 2010, được sự tài trợ của dự án ODA, gần 50 hộ đăng ký xây dựng đã đưa vào sử dụng có hiệu quả và đang triển khai thêm 40 hộ, dự kiến sẽ đưa vào thực hiện sau Tết Tân Mão.

Theo các nhà chuyên môn, việc phát triển chăn nuôi heo gắn kết với xây dựng hầm biogas đang là giải pháp đa tiện ích, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững. Ông Nguyễn Chân, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu các hộ chăn nuôi đều áp dụng mô hình này, sẽ giải quyết được bài toán hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; tiết kiệm chi phí sinh hoạt; hạn chế dịch bệnh cho người và gia súc, đồng thời, góp phần bảo vệ, giữ gìn môi trường sống luôn xanh, sạch, đẹp”.

 

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc