Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xây dựng quê hương mới

18:07, 30/12/2011

Men theo con đường nhỏ dẫn vào thôn 4, xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột là gặp ngay nhà anh Phạm Viết Quyền. Ngôi nhà bề thế được xây dựng hơn ba năm nay trên mảnh đất khá rộng rãi, trong đó có cả vườn cà phê, hồ tiêu xen lẫn ao cá. Anh tâm sự, có được cơ ngơi này cũng nhờ đôi bàn tay chăm chỉ và ý chí vươn lên làm giàu không bao giờ lụi tắt. Rời quân ngũ từ năm 1981, gia đình anh chọn Dak Lak để lập nghiệp. Ngày mới vào, vùng quê ven thành phố này còn hiu hắt lắm. Giữa bốn bề rừng và khe suối chỉ có vài buôn đồng bào dân tộc bản địa sinh sống. Lúc bấy giờ, Ty thương nghiệp Dak Lak mở ra ở đây một trại sản xuất rau xanh, vợ chồng anh xin vào làm công nhân trong đó. Đồng lương công nhân chỉ đủ chi tiêu dè sẻn cho cuộc sống hằng ngày, khó có thể phát triển kinh tế gia đình nếu như không chịu khó đổ mồ hôi với đất đai, ruộng đồng trên vùng quê mới. Nghĩ thế nên vợ chồng anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi khai hoang làm rẫy. Ở vùng đất thấp, nơi có con suối chảy qua thì anh be bờ, đắp thửa để làm ruộng, nuôi cá. Quần quật lao động như thế trong khoảng mười năm - đến năm 1991, gia đình anh đã có một gia sản khá khá: hơn 1 ha cà phê, 1,5 ha mặt nước vừa nuôi cá, vừa cấy lúa, thu nhập hằng năm hơn trăm triệu đồng. Số tiền ấy, với gia đình anh cũng đủ nuôi ba đứa con ăn học nên người, sau đó cứ thế tích lũy dần để xây dựng được ngôi nhà gần tỷ bạc vào cuối năm 2008 vừa qua.

Anh Phạm Viết Quyền đầu tư cho nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng lớn hơn.
Anh Phạm Viết Quyền đầu tư cho nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng lớn hơn.

Nhìn lại từ lúc ở quê Nông Cống-Thanh Hóa vào vùng đất mới này lập nghiệp, vợ chồng anh Quyền ít nhiều tự hào với thành quả của mình. Và tất nhiên như anh tâm niệm “đất cũ đãi người mới” nên không bao giờ quên tình cảm với đất đai, con người ở đây đã cho gia đình anh nhiều thứ. Trong đó, cái mà anh đau đáu nhất là tình quê, tình người có được trên vùng đất này. Vì thế sau khi nghỉ việc ở Công ty Dược liệu Ea Kao (tiền thân của nó là trại rau xanh của Ty thương nghiệp) vào năm 2008, anh vận động, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất với người dân trong thôn xây dựng ao hồ đàng hoàng và qui mô hơn để nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy mà cho đến nay ở thôn 4 này đã có hơn 30 hộ theo chân anh Quyền làm nghề nuôi trồng thủy sản. Vài năm trở lại đây, lượng cá thương phẩm mà các hộ này nuôi được và bán ra trên thị trường khoảng vài trăm tấn. Nhiều gia đình đã có cuộc sống khá giả hơn trước khiến anh Quyền vui lây. Anh cho rằng, nguồn sống ở đây rất dồi dào, nếu không lười nhác thì không ai đói nghèo cả. Nghề nuôi thả cá ở Ea Kao đang thật sự hấp dẫn bà con ở địa phương. Có điều anh băn khoăn, cứ mạnh ai nấy làm thì không ổn, tư thương tìm cách ép giá và thị trường cho đầu ra không thể tập trung, mở rộng được. Vì thế anh toan tính nay mai, những hộ nuôi thả cá ở đây phải ngồi lại với nhau bàn bạc và thống nhất trong cách thức làm ăn dưới mô hình hợp tác xã thì mới giải quyết được những bất cập trên. Nói là làm, mọi dự tính nhằm thực hiện cho kế họach làm ăn mới đã được người cựu chiến binh 52 tuổi này quyết tâm triển khai. Từ giờ cho đến đầu năm mới chắc chắn HTX nuôi trồng thủy sản Ea Kao sẽ được thành lập và ra mắt với mọi người. Anh Quyền tỏ ra hào hứng và cho đó là một cách tri ân với quê hương thứ hai của mình.

Có tình cảm, suy nghĩ như anh Quyền, ở thôn Tân Hưng, xã Ea Knuêc - huyện Krông Pak, anh Nguyễn Văn Thành cũng là trường hợp điển hình trong việc chung tay với bà con xây dựng quê hương mới. Như bao thanh niên khác ở dải đất miền Trung nghèo khó, cố tìm một nơi nào đó có điều kiện hơn để lập thân, lập nghiệp, anh Thành chọn Dak Lak làm quê hương thứ hai từ năm 1987. Hết đi rừng rồi chuyển sang làm thuê bằng đủ thứ nghề để kiếm sống trên địa bàn Krông Pak cho đến Krông Bông, nhọc nhằn lắm, nhưng anh Thành không hề nản chí. Đến những năm 1990, anh quyết định dừng chân lại ở mảnh đất Ea Knuêc để lập gia đình và quyết tâm làm ăn. Từ đồng vốn ít ỏi tích cóp được trong những năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” ấy, vợ chồng anh mở một cửa hàng bán phân bón và thu mua nông sản (chủ yếu là cà phê) để phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con nông dân trong vùng. Anh tâm tình, cũng từ nghèo khó mà ra nên anh rất hiểu tâm tư của những người cùng hoàn cảnh. Người thiếu gạo, kẻ thiếu vốn đầu tư cho cây cà phê khi mùa vụ đến… họ đều tìm đến anh để ứng trước.

Đại lý thu mua nông sản Thành - Thơm là địa chỉ quen thuộc của nhiều nông hộ ở Ea Knuêc - huyện Krông Pak.
Đại lý thu mua nông sản Thành - Thơm là địa chỉ quen thuộc của nhiều nông hộ ở Ea Knuêc - huyện Krông Pak.

Và cái cửa hàng nhỏ bé ấy của vợ chồng Thành - Thơm tại Km 19 (Quốc lộ 26 Buôn Ma Thuột - Nha Trang) dần trở thành địa chỉ quen thuột và thân thiết của nhiều nông hộ trong vùng. Hàng chục tấn phân bón, vật tư nông nghiệp mỗi năm mà anh cho người trồng cà phê ở đây ứng trước với giá cả phù hợp đã giúp không ít gia đình vượt qua “cơn khát vốn” để đầu tư cho sản xuất. Nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn Kré, buôn Pu, buôn Kang… được anh Thành làm “bà đỡ” trong những lúc ngặt nghèo nhất; những lúc mà như tâm sự của ông Ama Nghiếp là: “Gạo không còn một hột, tiền chi tiêu hằng ngày, đóng học phí cho con không biết xoay xở ra sao…” đều tìm đến anh Thành lấy trước, sau đó chờ thu hoạch cà phê, bắp, đậu để trả dần. Nhiều trường hợp như vậy, anh Thành không bao giờ tính lãi, vì thế bà con ở đây quí mến anh hơn. Ama Vin ở buôn Pu xem anh như người thân trong nhà, có việc gì cũng không quên vợ chồng Thành - Thơm tốt bụng.

Niềm vui của người nông dân làm cà phê khi đến đại lý của anh Thành thanh toán hợp đồng đầu tư trong niên vụ cà phê 2010-2011.
Niềm vui của người nông dân làm cà phê khi đến đại lý của anh Thành thanh toán hợp đồng đầu tư trong niên vụ cà phê 2010-2011.


Bây giờ vùng Ea Knuêc này đã trở thành vùng trọng điểm trồng cà phê của huyện Krông Pak. Người trồng cà phê, kể cả đồng bào dân tộc bản địa đã có trình độ thâm canh cao hơn, nhờ thế năng suất, sản lượng cũng tăng lên, và theo đó đời sống của bà con ngày càng được cải thiện. Anh Thành nhận định như thế và cho rằng đây là cơ sở vững chắc để anh triển khai kế hoạch gắn kết với người nông dân trong việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng khép kín và có trách nhiệm hơn. Anh tính toán, mình vốn ít thì làm theo mô hình nhỏ, khoảng vài chục hộ mỗi năm với số tiền đầu tư ban đầu 500-600 triệu đồng. Mô hình “liên kết” này hai năm qua đã cho thấy hiệu quả hơn nhiều so với kiểu kinh doanh “thuận mua, vừa bán” của một số cửa hàng, đại lý thu mua nông sản khác trên địa bàn. Có lẽ cung cách làm ăn của anh Thành đang đi là đúng hướng theo chủ trương “liên kết bốn nhà” mà mọi cấp, ngành đang ra sức triển khai? Tôi nghĩ thế, còn anh cười hồn hậu cho rằng: “Đơn giản là mình cùng với bà con bắt tay, tin tưởng nhau làm ăn và ai cũng được hưởng lợi từ thành quả lao động một nắng hai sương bỏ ra; để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hơn trên vùng quê mới này”.

 

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc