Multimedia Đọc Báo in

Giảm sức nóng cuộc đua tăng lãi suất huy động bằng cung cấp tiền qua thị trường mở

20:56, 09/12/2010
Chỉ trong một thời gian ngắn, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục bị phá, từ 13% đến 14%. Tuần trước, Ngân hàng Đông Á nâng lãi suất huy động lên 14%/năm. Tuần này, một vài ngân hàng cổ phần đã đẩy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một tháng lên 18%/năm cho các khoản tiền gửi nhỏ và đối với khoản tiền hàng tỷ đồng trở lên, mức lãi suất có thể được nâng lên tiếp. Cuộc đua lãi suất huy động đã lan rộng, tăng từng giờ. Điển hình trong hai ngày 7 và 8-12, lãi suất huy động bằng VND trên thị trường tiền tệ tăng   đột biến lên mức 17-18%/năm, xuất hiện tâm lý lo ngại trên thị trường tiền tệ. Đỉnh điểm là ngày 8-12 Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố mức lãi suất 17%/năm cho kỳ hạn một tháng thông qua sản phẩm tiết kiệm “3 ngày vàng”.
 
Trước diễn biến thất thường này, ngày 09/12/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 9577/NHNN-CSTT về việc yêu cầu Techcombank phải kịp thời rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND. Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội họp với các ngân hàng thương mại để chấn chỉnh kịp thời, áp dụng lãi suất huy động vốn phải phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, không vì lợi ích riêng, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của   các tổ chức tín dụng.

Năm 2008, lạm phát lên đến 19,89%/năm nhưng lãi suất huy động cao nhất ở một số thời điểm cũng chỉ 18%/năm. Năm 2010, lạm phát chỉ hơn một nửa so với năm 2008 (trên 10%) nhưng hiện lãi suất bị đẩy lên 17-18%/năm là điều bất thường. Năm 2010, dù lạm phát có tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ bên ngoài, do giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao, yếu tố đầu cơ và tâm lý.

Nguyên nhân lạm phát do tiền tệ là không lớn, vì thế tăng lãi suất quá liều để thu tiền về hoặc thắt chặt tiền tệ quá mức nhằm chống lạm phát chỉ làm khó doanh nghiệp. Lãi suất cao, doanh nghiệp không vay vốn để sản xuất kinh doanh dẫn đến thiếu hàng hóa, tạo sức ép lên giá cả trong tương lai.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Ngân hàng Nhà nước không muốn lãi suất huy động tăng cao, đồng thuận huy động 12%/năm thì phải can thiệp bằng cách cung cấp tiền qua thị trường mở. Nếu cung cấp không đầy đủ hoặc không đúng đối tượng thì lãi suất sẽ tăng lên. Chính phủ cần cho phép Ngân hàng Nhà nước có thể cung cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu thực sự thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn. Nếu cứ cung cấp theo nguyên tắc thị trường như hiện nay thì tiền lại vào tay những ngân hàng thừa vốn và họ sẽ cho vay lại để hưởng chênh lệch, trong khi ngân hàng “mỏng” vốn vẫn phải đẩy lãi suất lên cao để huy động tiền trong dân.

Đ.T (tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc